Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền trung và cả nước, thành phố Đà Nẵng được Chính phủ xác định là địa phương có vị trí địa chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước và là một trong năm trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Hoàng Sa, trong đó ngành thủy sản được xác định ưu tiên đầu tư ở vị trí thứ 3/6 ngành kinh tế biển của thành phố.
Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giải pháp quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, chống khai thác IUU... đồng thời, tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và địa phương.
Đến nay, đã có 141 tàu cá khai thác xa bờ được đóng mới, 581 tàu cá được hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 564 lượt tàu và hỗ trợ kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm... Cơ cấu tàu cá thành phố chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng mạnh số lượng khai thác ở vùng khơi (tổng số tàu cá khai thác vùng khơi của thành phố là 595 chiếc, chiếm 50% tổng số tàu cá). Hằng năm, tổng sản lượng hải sản khai thác đạt từ 35.000-36.000 tấn, chiếm 60-65% giá trị sản xuất thủy sản, giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hơn 6.000 lao động trực tiếp tham gia khai thác và góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay ngư dân thành phố phải đối diện với nhiều khó khăn, áp lực trong tổ chức hoạt động khai thác do giá chi phí nhiên liệu tăng cao, tình hình thiên tai, bão lũ, an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, lực lượng lao động thủy sản ngày càng khan hiếm. Để tháo gỡ vấn đề này, thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã chỉ đạo, ưu tiên bố trí lực lượng công an, biên phòng, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, nhất là tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Đồng thời, thành phố tiến hành tổng rà soát số lượng thực tế tàu cá, kể cả tàu của ngư dân Đà Nẵng và địa phương khác neo đậu, hoạt động ra vào tại Âu thuyền; thống kê danh sách nhóm tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện để theo dõi, quản lý đội tàu bảo đảm không khai thác IUU.
Đến nay, toàn bộ tàu cá của ngư dân từ 15m trở lên cập cảng Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang được giám sát và truy xuất nguồn gốc, sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng. Quy trình chặt chẽ này được thực hiện một cách đồng bộ đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bên cạnh khắc phục những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, thời gian qua, ngành thủy sản Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát nghề cá với 11 tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ về âu thuyền, cảng cá, chợ đầu mối nhằm tạo mọi điều kiện cho ngư dân vào neo đậu, trao đổi mua bán thủy sản.
Năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 53 trường hợp tàu, thuyền vi phạm với hơn 1,2 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không duy trì thiết bị giám sát hành trình, vi phạm việc khai thác trái vùng, trái tuyến, không tuân thủ việc chấp hành quy định nội quy cảng cá và một số vi phạm khác liên quan đến nhật ký khai thác.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hiện đã được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục bến đỗ, khu vực neo đậu tàu, thuyền khang trang, bảo đảm cho ngư dân miền trung có địa điểm để chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm, nước uống... cho các chuyến ra khơi. Nói về vấn đề tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản trên biển, ngư dân Nguyễn Cu (trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), cho biết: “Trước khi tàu xuất bến, chúng tôi kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình, khai báo đầy đủ các thủ tục tại cảng cá.
Những năm trước, việc ghi nhật ký khai thác còn khó khăn, thì bây giờ đã trở thành thói quen. Tàu tôi luôn thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Trong suốt hành trình khai thác trên biển, chúng tôi ghi lại nhật ký khai thác và mở thiết bị giám sát hành trình, đồng thời liên hệ với ban quản lý cảng cá khi xuất hoặc cập bến. Đi biển phải mở thiết bị giám sát hành trình 24/24, ngoại trừ khi máy có sự cố thì trong thời gian bao nhiêu tiếng đồng hồ phải gửi tin nhắn về trạm bờ để chứng thực là tàu mình đang ở vị trí đó”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Chí Cường cho biết, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), Đà Nẵng sẽ tập trung tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Kế hoạch phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và nghiên cứu đề xuất các giải pháp bổ sung chính sách hỗ trợ của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.