Đà Nẵng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu đến năm 2025 hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhiều năm qua, Đà Nẵng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình sản xuất hoa treo của ông Nguyễn Ngọc Chương tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Mô hình sản xuất hoa treo của ông Nguyễn Ngọc Chương tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Bằng các giải pháp cụ thể như, rót nguồn vốn lớn khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp CNC cùng nhiều chính sách ưu đãi, Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư đồng hành cùng thành phố trong lĩnh vực này.

Thay đổi tư duy sản xuất

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững, là hướng đi được Đà Nẵng quyết tâm, cùng với việc lồng ghép các mô hình tiêu biểu, điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới. Đà Nẵng đã đưa khoa học - công nghệ, ứng dụng CNC đến với người dân, thay đổi cách suy nghĩ làm nông đơn thuần của người dân, tổ chức bài bản các khóa tập huấn tại địa phương và đưa nông dân đi học tập làm nông nghiệp sạch ở nước ngoài. Theo đó, TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch bảy vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu với diện tích 500 ha. Triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, thành phố đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang.

Riêng mô hình sản xuất rau sạch, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ Hội Nông dân thành phố 10 tỷ đồng. Kết quả bước đầu phát triển nông nghiệp CNC, Đà Nẵng đã xây dựng và hình thành rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Hằng năm, Đà Nẵng thu lợi từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng từ sản xuất lúa hữu cơ, rau sạch CNC đạt chuẩn VietGAP, trồng hoa lan, dưa lưới. Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho biết, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều kết quả, thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững.

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện tăng 5,6%. Chính quyền địa phương đã thực hiện các đề án phát triển sản xuất như đề án cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi gần 354 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Huyện đã tập trung hỗ trợ, nhân rộng hơn 50 mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình như: mô hình trồng hoa Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Liên; mô hình trồng nấm Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh; trồng thanh long ruột đỏ Hòa Phú, Hòa Sơn; trồng rau, dưa lưới ứng dụng CNC Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn...

Đà Nẵng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1

Cơ sở trồng rau thủy canh của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Afarm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang).

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Tại Khu công nghiệp xã Hòa Ninh, từ tháng 6-2017, ông Nguyễn Thắng và một số nông dân trong xã cùng hùn vốn lắp đặt nhà kính cùng các thiết bị trồng rau, quả ở khu CNC tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Đây là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với tổng mức đầu tư ban đầu của ông Thắng là 3,57 tỷ đồng, trong đó huyện Hòa Vang hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, đây là “vựa” rau lớn cung ứng rau, củ, quả sạch cho người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở sản xuất rau trong nhà kính, ông Thắng đã liên kết với nhiều gia đình cùng sản xuất, thành lập hợp tác xã rau sạch. Chia sẻ về những kết quả bước đầu, ông Thắng cho hay, nếu so sánh với trồng rau truyền thống thì hệ thống nhà kính ứng dụng CNC vào sản xuất đã làm giảm nhiều tác động tiêu cực của thời tiết.

Với mô hình sản xuất hoa treo, hoa thảm trang trí cảnh quan, cơ sở của ông Nguyễn Ngọc Chương tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang sản xuất các loại hoa mới, hoa cao cấp như dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường, đồng tiền mini, dừa cạn, cẩm chướng... Đến nay, diện tích trang trại hoa này lên tới 6.000 m2, hằng năm cung ứng ra thị trường khoảng 24 nghìn chậu hoa các loại, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Ông Chương cho biết, trồng hoa trong nhà màng, tưới bằng công nghệ nhỏ giọt cho hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi về Hòa Phú, một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và không khỏi bất ngờ khi tham quan quy trình sản xuất rau sạch tại cơ sở của anh Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Afarm. Được thành lập năm 2017, đây là một trong số ít những công ty khởi nghiệp trẻ đầu tư ứng dụng CNC vào nông nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng, với mong muốn mang đến cho từng gia đình những bữa ăn có rau sạch; với đội ngũ kỹ sư trẻ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, điện tử, cơ khí chế tạo và phần mềm. Tất cả hệ thống nhà kính sản xuất được nghiên cứu, lắp đặt và điều khiển hoàn toàn tự động. Khởi nghiệp ngay trên quê hương, Nguyễn Tấn Phương cùng các cộng sự đã mất nhiều thời gian để tìm hiểu, chọn vị trí đất đồi phù hợp: “Chúng tôi phục vụ khách hàng từ những chi tiết nhỏ nhất như thiết kế, sản xuất, lắp ráp bo mạch, đóng gói, chế tạo các chi tiết cơ khí tự động hóa. Khi làm chủ được công nghệ, chúng tôi đã xây dựng trang trại trên diện tích 2,8 ha, nguồn vốn đầu tư đến thời điểm này là 10 tỷ đồng. Hiện tại, trang trại sản xuất rau sạch, dưa lưới cùng các loại củ, quả phong phú, mục tiêu hướng đến là đáp ứng nhu cầu của 10% dân số Đà Nẵng trong ba năm tới” - Anh Phương chia sẻ.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Thời gian qua, Đà Nẵng nỗ lực tạo các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận đất đai để đầu tư dự án. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, là lĩnh vực có nhiều rủi ro cho nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, cũng như trình độ tiếp nhận khoa học - công nghệ của người dân còn hạn chế đã cản trở việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Trung tâm Khuyến ngư, nông lâm TP Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp CNC tại địa bàn thành phố hiện mới tập trung chủ yếu vào ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNC chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa bảo đảm tính khoa học.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 Vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng CNC xã Hòa Khương, xã Hòa Phong với diện tích 162.137 m2. Quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng CNC kết hợp khu tham quan; quy hoạch khu trồng rau sạch, nhà lưới, vườn ươm, khu đất sản xuất... Năm 2019, thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1:500 Khu nông nghiệp CNC tại Hòa Ninh với diện tích 117 ha. Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp CNC, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC Hòa Phú, Hòa Khương.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp CNC, Đà Nẵng từng bước khắc phục khó khăn, quy hoạch các vùng sản xuất, các khu công nghiệp tập trung, xúc tiến thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở xã Hòa Ninh, ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC nhằm giải quyết một số vướng mắc về đất đai, thủ tục đấu giá đất. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được TP Đà Nẵng hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (như nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) với mức hỗ trợ tối đa là 3 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư cho rằng, Đà Nẵng có tiềm năng lớn về nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, địa phương cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư tiếp cận lĩnh vực cung ứng vật tư, giảm chi phí ban đầu. TP Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 tăng bình quân 4 đến 4,5%/năm; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng CNC; xây dựng hai đến ba vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển các vùng trồng lúa hữu cơ. Trong tương lai, phát triển du lịch gắn với xây dựng các điểm đến tham quan để góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, đưa sản phẩm nông nghiệp sạch Đà Nẵng tiến xa hơn.