Đà Nẵng đẩy mạnh số hóa tại các bảo tàng

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" để gỡ nhiều "điểm nghẽn", trong đó, có lĩnh vực văn hóa-di sản. Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong vận hành, quản lý tại các bảo tàng ở Đà Nẵng, đã và đang được triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Du khách tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Những kết quả ghi nhận bước đầu trong chuyển đổi số tại bảo tàng không chỉ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng mà còn thu hẹp khoảng cách về địa lý, góp phần gìn giữ, phát huy tối đa giá trị của các tư liệu, hiện vật quý.

Lan tỏa giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với công chúng trên không gian số là một trong những mục tiêu của chuyển đổi số trong hệ thống các bảo tàng. Đà Nẵng hiện có bốn bảo tàng công lập gồm Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5. Ngoài ra còn có ba bảo tàng ngoài công lập và hai nhà trưng bày.

Hiện, các bảo tàng đã tiến hành khảo sát và phân tích các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tìm hiểu xu hướng thị hiếu của công chúng, du khách, nhiều đối tượng để xây dựng nội dung chuyển đổi số phù hợp từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm mới cho công chúng ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đến nay, hàng nghìn hiện vật, tư liệu, di tích, di sản tại Đà Nẵng đã được số hóa.

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, các ứng dụng công nghệ đã được thực hiện từ năm 2017, đưa vào sử dụng như hệ thống thuyết minh tự động, quản lý hiện vật tại kho bằng công nghệ quét mã QR, ứng dụng tham quan ảo VR360 bảo tàng và các di tích Chăm,…

Năm 2020, đây là đơn vị bảo tàng đầu tiên tại Đà Nẵng có ứng dụng tham quan Bảo tàng thực tế ảo được tích hợp, đồng bộ trên nền tảng VR360-Một chạm đến Đà Nẵng-ứng dụng quảng bá các điểm du lịch của thành phố.

Năm 2021, bảo tàng này vinh dự là bảo tàng đầu tiên và duy nhất đến nay được Tổng Cục Du lịch nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chọn giới thiệu trong chuyên mục "Điểm đến các bảo tàng"-triển khai trên nền tảng do Google Arts and Culture thực hiện.

Hiện nay, bảo tàng tiếp tục được giới thiệu trên nền tảng VR360 ở phiên bản nâng cấp, có tích hợp nhiều tính năng mới, đặc biệt lần đầu tiên thử nghiệm giới thiệu trên không gian vũ trụ ảo (Metaverse).

Đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, điều thú vị mà mỗi du khách có thể tận hưởng trọn vẹn hành trình tham quan của mình qua quét mã QR và sử dụng nền tảng VR360. Chị Nguyễn Thanh Thảo, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, chia sẻ: "Trước khi đến tham quan bảo tàng, tôi đã tự tìm hiểu về các hiện vật là báu vật quốc gia hiện có tại bảo tàng. Qua nền tảng VR360 và khi đến trực tiếp tại đây, cảm giác rất tuyệt vời. Điều thuận tiện nhất là du khách được chọn lựa trước điểm đến, nhằm trải nghiệm trọn vẹn các giá trị văn hóa, di sản tại Đà Nẵng".

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, việc đổi mới cách tiếp cận công chúng thông qua ứng dụng các thành tựu của công nghệ số được chú trọng triển khai với việc số hóa hiện vật, tư liệu đang được lưu giữ, trưng bày; hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động bằng mã QR; phần mềm Bản đồ số di sản Đà Nẵng; tăng cường sử dụng mạng xã hội trong công tác truyền thông; xây dựng các video truyền thông; triển lãm online trên nền tảng website.

Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng Công nghệ thông tin Bản đồ số phục vụ công tác bảo tồn và quảng bá các điểm di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ https://bandodisandanang.vn. Truy cập vào bản đồ số này, người dân, du khách có thể tìm hiểu, khai thác nguồn dữ liệu phong phú, chính xác về hệ thống di tích lịch sử của thành phố trên không gian mạng.

Đà Nẵng đẩy mạnh số hóa tại các bảo tàng ảnh 1
Hình ảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải trên bản đồ số do Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng.

Tháng 5/2023, bảo tàng này tiếp tục đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý thông tin hiện vật bằng mã QR. Mỗi hiện vật được thêm mới thành công sẽ được quản lý, lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Thông tin hiện vật, thông tin về vị trí lưu trữ hiện vật, lịch sử bảo quản đều được lưu trữ, bảo đảm phục vụ công tác chuyên môn, sẽ tự động xuất ra 2 mã QR, trong đó một mã QR dành cho cán bộ quản lý hiện vật và một mã QR dành cho khách tham quan trực tiếp.

Việc ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã được triển khai thời gian qua như xây dựng website, số hóa quản lý hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp với website của đơn vị, làm các video quảng bá, video 3D phục vụ tham quan online, phối hợp làm phim thực tế ảo VR360 được chú trọng.

Năm 2022, bảo tàng này đã hợp tác với Công ty cổ phần Giải pháp chuyển đổi số (VR360)-thành viên của Bizverse để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp, đưa vào ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số đơn vị.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số tại các bảo tàng Đà Nẵng đang góp phần rất lớn vào việc quản lý, điều hành hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay đó là thiếu kinh phí và nguồn nhân lực. Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện là đơn vị tự chủ tài chính, nguồn thu từ bán vé tham quan được sử dụng để chi trả lương và các chế độ chính sách cho nhân viên, người lao động cùng tất cả các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn của bảo tàng.

Vì vậy, việc đơn vị dành một nguồn đầu tư lớn để thực hiện chuyển đổi số một cách khoa học, đồng bộ là một thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng của đơn vị tuy đã được quan tâm, đầu tư nhưng do kinh phí hạn hẹp nên còn hạn chế ở quy mô, chất lượng và sự đồng bộ của trang thiết bị, chưa kịp thời đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện nay.

Hay tại Bảo tàng Quân khu 5, dù hiện đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày khoảng 16.000 kỷ vật, hiện vật chiến tranh có giá trị lịch sử của dân tộc, nhưng việc số hóa bảo tàng đang triển khai theo các tiêu chí của Cục Di sản và chỉ mới sao chụp toàn bộ hiện vật, đưa vào phiếu thông tin hiện vật. Khó khăn nhất là nguồn nhân lực, hiện giờ chỉ có một người, một máy tính, trong khi hiện vật lên đến hàng nghìn…

Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh, cho biết: "Hiện tại, trong đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của bảo tàng thiếu hẳn người có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, truyền thông mạng và chuyển đổi số. Việc được trang bị máy tính có cấu hình cao, các thiết bị chuyên dụng và đặc biệt là việc hợp đồng với các công ty công nghệ thông tin để đưa công nghệ mới vào thực hiện số hóa đáp ứng yêu cầu hiện nay đều cần nguồn kinh phí không nhỏ".

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, khẳng định: Con người là mấu chốt của số hóa bảo tàng. Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt có chính sách ưu đãi đối với nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho việc chuyển đổi số tại bảo tàng; sớm ban hành chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng để các bảo tàng có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả. Muốn chuyển đổi số các hoạt động bảo tàng thì trước hết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa và quản lý hiện vật di sản văn hóa. Vấn đề này cần rất nhiều kinh phí, thời gian và con người.

Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, di sản. Ngành văn hóa, thể thao Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, các bảo tàng, công trình kiến trúc-văn hóa mang giá trị lịch sử trên địa bàn thành phố thực hiện ứng dụng thuyết minh trên thiết bị di động thông minh và công nghệ thực tế ảo; xây dựng hệ thống thư viện số thành phố… Tiếp cận giá trị văn hóa di sản từ hệ thống các bảo tàng thông qua công tác số hóa bảo tàng không chỉ giúp người dân, du khách hiểu biết hơn về mảnh đất, con người Đà Nẵng, mà còn góp phần giữ gìn, lan tỏa các giá trị đó trên không gian số.