Đã đến lúc phải cải tổ V-League một cách toàn diện

Sự cố ở vòng sáu Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League Toyota 2017 vừa qua đã để lại vết nhơ và tạo hình ảnh xấu cho bóng đá Việt Nam. Vụ việc này như “giọt nước tràn ly” sau một loạt vụ tiêu cực gần đây, cho thấy cần có sự cải tổ toàn diện từ công tác tổ chức cho đến chuyên môn, nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên, lãnh đạo của các câu lạc bộ.

Chủ tịch CLB đội Long An Võ Thành Nhiệm phản ứng quyết định của trọng tài sau trận đấu với đội TP Hồ Chí Minh tại vòng 6 V-League 2017. Ảnh: QUANG LIÊM
Chủ tịch CLB đội Long An Võ Thành Nhiệm phản ứng quyết định của trọng tài sau trận đấu với đội TP Hồ Chí Minh tại vòng 6 V-League 2017. Ảnh: QUANG LIÊM

Trọng tài yếu hay “có vấn đề” ?

Trung tâm của những ồn ào trong trận đấu giữa đội Long An và đội TP Hồ Chí Minh ngày 19-2 vừa qua khi CLB Long An có những hành vi phản cảm, tiêu cực chính là cách xử lý gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư. Theo luật FIFA, trọng tài này sẽ không bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phân tích sai sót hay đưa ra những hình thức kỷ luật công khai. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia bóng đá đã phân tích những sai sót của ông này dẫn đến những hành vi phi thể thao của ban huấn luyện và các cầu thủ Long An. Chẳng hạn cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng, người từng được giao trọng trách cầm còi nhiều trận đấu quốc tế tuy khẳng định pha thổi phạt đền cuối trận của trọng tài Nguyễn Trọng Thư là chính xác nhưng một số tình huống khác lại chưa hợp lý. Cần nhắc lại, năm 2016, trọng tài Nguyễn Trọng Thư từng điều hành nhiều trận đấu gặp phải sự phản đối dữ dội của dư luận. Năm 2009, trọng tài này cũng điều hành trận đấu đội Hải Phòng làm khách trên sân Đồng Tháp ở vòng 19 của mùa giải V-League năm đó và bị cầu thủ, ban huấn luyện và rất đông cổ động viên đội chủ nhà phản đối kịch liệt vì cho rằng bị “xử ép”. Sau sự cố này, trọng tài Thư đã xin nghỉ vô thời hạn để "ổn định tâm lý". Thế nhưng chỉ ngay trong mùa bóng kế tiếp, trọng tài Thư vẫn tiếp tục hành nghề và sau đó lại phải có sự hộ tống của đông đảo lực lượng an ninh mới có thể rời sân Lạch Tray sau trận đấu giữa đội bóng Hải Phòng với Hà Nội T&T. Trong mùa bóng V-League năm 2010, trọng tài Thư lại bị cầu thủ Tấn Tài của Khánh Hòa túm cổ áo để phản đối khi quyết định cho Thanh Hóa hưởng phạt đền gây tranh cãi trên sân nhà trước đội bóng của Khánh Hòa ở vòng 21 của V-League.

Như đã nói ở trên dù VFF không kết luận nhưng chắc chắn sự phản ứng của cầu thủ và dư luận là có cơ sở. Thế nhưng không hiểu sao trọng tài Nguyễn Trọng Thư vẫn được giao nhiệm vụ tại V-League khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu có phải trọng tài Thư đã nhận được sự thiên vị từ Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi (bố ruột của ông Thư). Không thể nói trọng tài Thư yếu về chuyên môn bởi nếu yếu thì sao ông lại có hai lần giành giải “Còi vàng”. Vậy thì những phản ứng mang tính hệ thống như vậy, kéo dài trong nhiều năm là do nguyên nhân gì ?

Cũng từ trọng tài Thư, nhìn lại sáu vòng đấu vừa qua mới thấy công tác trọng tài tại V-League 2017 bộc lộ nhiều sai sót nghiêm trọng. Vụ việc trọng tài Trần Xuân Nguyện không xử phạt pha phạm lỗi của cầu thủ Quốc Phương, đội FLC Thanh Hóa (đã nhận một thẻ vàng trước đó) khi cố tình ngã, đạp lên chân và cố tình vung tay vào mặt hậu vệ Âu Văn Hoàn của đội TP Hồ Chí Minh ở vòng năm đã giúp đội FLC Thanh Hóa vẫn đá đủ 11 người cho đến cuối trận, thậm chí đến phút bù giờ Quốc Phương gián tiếp đóng góp vào bàn thắng duy nhất của trận đấu, giúp FLC Thanh Hóa thắng 1-0. Sau trận đấu này, trước phản ứng của dư luận và sự thật rõ ràng qua băng ghi hình, cầu thủ Quốc Phương đã bị bổ sung hình phạt nghỉ hai trận... Nếu lần giở lại mùa giải 2016 và các mùa giải trước đó, có lẽ sẽ không thể thống kê hết những vụ việc liên quan tới sự điều hành yếu kém, tiêu cực của trọng tài. Điều này gióng lên những cảnh báo và cần một sự đổi mới quyết liệt công tác trọng tài về chuyên môn cũng như trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, mà trước hết là từ chính việc quản lý, điều hành của Ban Trọng tài.

“Trò hề” và sự thiếu chuyên nghiệp

Không thể gọi là sự cố được nữa, nhiều người đã gọi vụ các cầu thủ và ban huấn luyện đội Long An bỏ thi đấu, thủ môn quay lưng không bắt đá phạt 11m, giúp đối phương thoải mái ghi bàn vào khung thành trống trên sân Thống Nhất vừa qua là một “trò hề”. Vụ việc đã góp phần bổ sung vào sự "nổi tiếng" của bóng đá Việt Nam và giải đấu V-League trong cách nhìn nhận của báo chí thể thao quốc tế và người hâm mộ bóng đá thế giới. Đây là điển hình phản ánh tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một giải bóng đá đỉnh cao nước nhà. Phản ứng lại quyết định của trọng tài, gây sức ép với Ban tổ chức giải, liên tục dọa bỏ giải vô địch quốc gia là cách mà nhiều cầu thủ và cả huấn luyện viên và lãnh đạo các CLB từng làm, gây nhiều phản cảm và phản ứng dữ dội của dư luận và người hâm mộ. Thật ra, chuyện phản ứng trọng tài luôn có ở bóng đá các nước và cả các giải đấu quốc tế lớn, song không thể như của đội Long An đã làm. Trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng cho rằng: “Phản ứng như vậy là thiếu chuyên nghiệp. Kể cả trọng tài có sai đi chăng nữa thì đội bóng và các cầu thủ vẫn phải cố gắng thi đấu vì khán giả đến sân, vì cổ động viên của họ. Đằng này, họ không chịu thi đấu, thiếu tôn trọng người xem và giải đấu. Ở nước ngoài, trọng tài có sai thì cầu thủ vẫn tập trung thi đấu cống hiến cho khán giả, còn ở V-League, đã thành thói quen hay sao vậy khi nhiều đội bóng đã phản ứng bằng cách bỏ ra ngoài. Qua đây, có lẽ cũng thấy một phần niềm tin của các đội bóng với V-League đã cạn”.

Sau án phạt của Ban tổ chức V-League, dư luận cho rằng vẫn chưa nhắm trúng đối tượng. Huấn luyện viên Lê Thụy Hải cho rằng: “Tôi không phản đối Ban kỷ luật phạt đội Long An, nhưng phạt gì thì phạt, đừng nên thí tốt. Cầu thủ chỉ là quân cờ bé nhất trên bàn cờ thôi, nếu không nhận chỉ đạo, đời nào họ dám tự ý buông như thế”. Tuy nhiều người tỏ ra ái ngại cho việc hai cầu thủ đội Long An bị cấm thi đấu hai năm, song dư luận cũng cho rằng để đi lên bóng đá chuyên nghiệp thì cần phải xử lý như thế. Trước đó, ngay từ đầu mùa giải, Ban tổ chức và VFF cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm mọi tiêu cực, không lẽ lại thực hiện theo kiểu không chuyên nghiệp “giơ cao, đánh khẽ”. Đã chấp nhận nghiệp cầu thủ thì trước hết phải tôn trọng khán giả, tôn trọng cổ động viên, những người đã mua vé vào xem và cổ vũ trận đấu. Phản ứng không có nghĩa quay lưng lại với người xem và thiếu tôn trọng họ.

Tuy nhiên, quyết định xử phạt khá nặng và kiên quyết của Ban tổ chức V-League 2017 vẫn mang lại những dự cảm bất ổn, thiếu bền vững trong một giải đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Có vẻ như VFF và đơn vị tổ chức giải phải thường xuyên “ve vuốt” các câu lạc bộ để giữ gìn quy mô giải đấu hoặc có vẻ ngại xử lý những đội bóng mà những ông bầu có khả năng mang lại kinh phí cho giải. Có lẽ đây chính là “gót chân A-sin” để một số lãnh đạo đội bóng được thể “dọa dẫm” Ban tổ chức. Cũng vì thế, dư luận mới đặt dấu hỏi nghi ngờ cho những quyết định nửa vời, không có tính đồng thuận cao như vụ kỷ luật rồi lại giảm án cho cầu thủ Ô-ma của đội FLC Thanh Hóa, hoặc quyết định phạt bổ sung Hoàng Vũ Sam-xơn của Ban tổ chức V-League 2017.

Chính những tiêu cực và yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp đã và đang làm chất lượng V-League ngày càng đi xuống, khiến khán giả không đến sân và như vậy tức là đang “xua đuổi” những nhà tài trợ tâm huyết… Cải tổ, lập lại trật tự và lành mạnh hóa bóng đá Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết và sự kiên quyết, không nhân nhượng bởi V-League là “xương sống” cho sự tồn tại và phát triển của bóng đá Việt Nam.