"Cuốn sử sống" dưới chân Cột cờ Hà Nội

Trên đường Ðiện Biên Phủ, ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội rêu phong, cổ kính có một địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - "cuốn sử sống", bảo tàng đầu ngành của hệ thống bảo tàng quân đội. Gần sáu thập kỷ qua, lớp lớp cán bộ nơi đây đã, đang lặng lẽ tìm tòi, lưu giữ những kỷ vật, hiện vật để kể lại cho thế hệ mai sau về lịch sử dựng nước, đấu tranh giữ nước của dân tộc, trong đó có Chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTĐT
Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTĐT

Thiết chế văn hóa đặc biệt

Ngày 17-7-1956, trở thành ngày truyền thống của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, khi ấy là Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội với quân số vỏn vẹn 14 người. Vậy mà chỉ ba năm tích cực nghiên cứu tư liệu lịch sử, sưu tầm hiện vật, bảo tàng đã mở cửa. Ngày 12-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng đến duyệt hệ thống trưng bày. Bác Hồ xem kỹ, lắng nghe từng lời thuyết minh. Sa bàn chiến dịch Ðiện Biên Phủ lúc đó làm bằng cát trên nền gỗ, còn đơn giản nhưng Bác khen: "Nhà sa bàn rộng rãi, phục vụ được cùng lúc hàng trăm người". Diễn biến chiến dịch Ðiện Biên Phủ tuy phải điều khiển các công tắc điện bằng tay, nhưng Bác xem rất chăm chú. Kết thúc tổng duyệt, Người khen ngợi cán bộ, nhân viên Bảo tàng sưu tầm được nhiều hiện vật, trưng bày khéo, nội dung rõ.

57 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, được sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân ủy T.Ư, lớp lớp cán bộ Bảo tàng đã xây dựng nơi đây trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt. Hiện, bảo tàng đang sở hữu hơn 160 nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Trong đó, phải kể tới hai bảo vật quốc gia, máy bay MIG21 số hiệu 5121 do Anh hùng Phạm Tuân tham gia trận "Ðiện Biên Phủ trên không" năm 1972 bắn rơi máy bay B52 của địch, xe tăng T54B số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Ðộc Lập năm 1975. Cột cờ Hà Nội, di tích kiến trúc cổ độc đáo, được xếp hạng di tích kiến trúc lịch sử quốc gia nằm trong khuôn viên bảo tàng.

Những kỷ vật biết nói

Bí thư Ðảng ủy, Phó Giám đốc Bảo tàng Ðinh Tiến Dược tự hào: Là một trong bảy bảo tàng quốc gia và là bảo tàng hàng đầu của hệ thống bảo tàng quân đội, nơi đây đang trưng bày và lưu giữ hơn 160 nghìn hiện vật, trong đó gần ba nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật về chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Dịp kỷ niệm này, chúng tôi phát động đợt thi đua cao điểm 60 ngày, với chủ đề "Tiếp bước chiến sĩ Ðiện Biên - Tiến lên giành ba nhất". Trọng tâm là các hoạt động mời nhân chứng lịch sử nói chuyện, tổ chức triển lãm chuyên đề "Ðiện Biên Phủ, mốc vàng lịch sử"; bổ sung gần hai chục đầu sách viết về Ðiện Biên Phủ kịp thời phục vụ cán bộ, bạn đọc trong và ngoài quân đội; phối hợp các bảo tàng trong, ngoài quân đội tổ chức triển lãm tài liệu, hiện vật; tổ chức triển lãm lưu động ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ðại tá Dược giới thiệu những hiện vật đặc biệt trưng bày ngoài trời trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðó là pháo cao xạ 37 mm được Ðại đội 815 sử dụng bắn rơi bảy máy bay của quân Pháp ở Ðiện Biên Phủ; là khẩu pháo 75 mm do Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu chỉ huy khẩu đội phá hủy năm đại bác 105 mm của Pháp. Ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội, là khẩu pháo 105 mm, Ðại đội 806 sử dụng bắn trận mở màn vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954. Bước lên tầng hai khu nhà S2 - nơi trưng bày cụm hiện vật, kỷ vật Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, quá khứ hào hùng 56 ngày đêm lịch sử bất chợt ùa về. Ðó là bộ bàn ghế gỗ được Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư sử dụng trong cuộc họp quyết định chủ trương chiến dịch Ðông Xuân 1953 - 1954 tại Chiến khu Việt Bắc (tháng 9-1953). Chiếc xe thồ, phương tiện chủ lực lo hậu cần cho chiến dịch. Nhỏ bé và thô sơ nhường vậy nhưng luôn đạt năng suất 200 đến 300 kg/chuyến. Kỳ tích lập nên khi chiếc xe thồ của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (Thanh Ba, Phú Thọ) thồ tới 370 kg hàng hóa. Ðây là đại diện và minh chứng lịch sử về binh chủng xe thồ trong chiến dịch, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ ngay trên những mảnh ni-lông trải trên đất. Trái ngược với phi đội máy bay vận tải, có khả năng chuyên chở hàng tấn hàng hóa mỗi lượt của quân đội Pháp là những chiếc gùi thồ được dân công của ta cõng trên lưng hàng hóa, vũ khí lên mặt trận. Những đôi dép cao-su, được cắt từ lốp xe cơ giới, những thanh gỗ chèn bánh xe, dây thừng kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua đèo cao, suối sâu, tiến vào trận địa; chiếc áo trấn thủ của Anh hùng Tô Vĩnh Diện, chiếc mũ nan của Anh hùng Trần Can, vài chiếc cúc áo của Anh hùng Bế Văn Ðàn... hiện diện tại đây cho thấy một thời hào hùng, oanh liệt.

Ðiểm nhấn mà bảo tàng gửi gắm đến du khách, nhất là thế hệ trẻ, là triển lãm chuyên đề "Triển lãm Ðiện Biên Phủ - mốc vàng lịch sử". Thiếu tá Nguyễn Văn Tập, trợ lý phòng Trưng bày - Tuyên truyền tiết lộ: "Triển lãm bao gồm hơn 300 bức ảnh, hiện vật với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được trưng bày theo biên niên sự kiện, nêu bật được từng chủ đề chính của triển lãm. Trong đó có nhiều bức ảnh, hiện vật, kỷ vật quý lần đầu được trưng bày, giới thiệu". Lần đầu bốn kỷ vật mới được sưu tầm sẽ được giới thiệu. Ðó là Huy hiệu Anh hùng và Bằng Anh hùng LLVT nhân dân của Anh hùng Lâm Viết Hữu, Ðại đội trưởng Ðại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Anh hùng Lâm Viết Hữu là người tham gia chiến đấu tại đồi A1 đêm 6-5-1954. Năm 2009, ông được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau khi ông mất năm 2011, được sự động viên của cán bộ sưu tầm, người con trai cả đã đồng ý hiến tặng cho bảo tàng vào tháng 3-2014. Hai kỷ vật khác, là Huân chương Quân công hạng ba, Huy hiệu chiến sĩ Ðiện Biên Phủ của Ðại tá Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu. Trong chiến dịch, ông là khẩu đội trưởng sơn pháo 75 ly chiếm giữ đồi E1, là một trong 16 người được phong Anh hùng LLVT nhân dân trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Những người kết nối lịch sử và tương lai

Ðể có những hiện vật, kỷ vật quý giá, phải kể đến biết bao ngày đêm vất vả, thầm lặng của những người làm công tác sưu tầm, bảo quản. Gần sáu thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ bảo tàng không tiếc mồ hôi, công sức và cả xương máu tới mọi miền đất nước, bám sát chiến trường, gặp gỡ hàng nghìn nhân chứng làm giàu cho các bộ sưu tập. Thiếu tá Lò Thị Xuân, Phó trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm - Quản lý nghiệp vụ, tâm sự: "Chúng tôi thật hạnh phúc và tự hào khi được là những người kết nối lịch sử và tương lai. Sẽ thật sự xót xa và khiếm khuyết nếu như chúng tôi không lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tinh thần lớn lao của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống để giành độc lập. Những kỷ vật tưởng như vô tri, vô giác nhưng chứa đựng những kỳ tích và những câu chuyện lay động lòng người. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã lùi xa 60 năm, những nhân chứng sống ngày càng ít dần đi. Tâm niệm vậy, chúng tôi vẫn không quản khó khăn, vất vả, tìm kiếm, sưu tầm những bằng chứng "sống" với những hồi ức, những kỷ vật để lưu giữ cho muôn đời sau".

Nhằm làm tốt công tác kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật, Bảo tàng ứng dụng tin học trong quản lý và khai thác thông tin hiện vật. Các hồ sơ khoa học chứa đầy đủ thông tin như lý lịch của một con người được tin học hóa, đưa vào hệ thống kho kiểm kê, đăng ký phim gốc, hiện vật, lập phiếu ảnh, sang phim, bảo quản. Ðại tá, họa sĩ Trần Minh Hân, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền cho biết: "Bảo tàng đã và đang góp tiếng nói đặc thù của mình trên mặt trận tư tưởng và văn hóa, là "trường học" giáo dục truyền thống vẻ vang, góp phần bồi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho nhân dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Mỗi năm, bảo tàng đón nhận hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng ba tháng đầu năm 2014, bảo tàng đã đón nhận hơn 76 nghìn lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 51 nghìn lượt. Dịp 30-4, 1-5 năm 2013, bảo tàng đón nhận năm nghìn lượt du khách, năm nay lượng khách tăng gấp đôi so với năm ngoái".

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về chiều, đoàn khách cuối cùng đã rời khuôn viên, trả lại vẻ trang nghiêm, tĩnh lặng vốn có. Mặc cho sự sôi động của phố phường trong giờ tan tầm, tập thể cán bộ bảo tàng vẫn say sưa trong thầm lặng, gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho triển lãm sắp tới, với quyết tâm đạt kết quả cao nhất của đợt thi đua.