Trong thời điểm thế giới gặp nhiều khó khăn, cam kết của các nhà tài trợ được hy vọng sẽ giúp Syria từng bước vượt qua khủng hoảng và vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của xung đột.
Hội nghị lần thứ 6 các nhà tài trợ cho Syria diễn ra ở Brussels (Bỉ) do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì, có sự tham gia của 70 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên phụ trách khu vực châu Âu Oliver Varhelyi (Ô.Va-re-li) nhấn mạnh, sự kiện này diễn ra vào thời điểm “đặc biệt khó khăn”, khi các xã hội và các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm các nhà tài trợ chính, vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19 đồng thời ứng phó tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nêu rõ, bất chấp những khó khăn này, các nhà tài trợ gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ Syria và khu vực Trung Đông nhiều hơn trước.
Theo ông Oliver Varhelyi, phần lớn khoản viện trợ 6,7 tỷ USD sẽ được dành cho việc hỗ trợ người Syria đang tị nạn ở Jordan, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Ai Cập và Iraq. Tổng cộng Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên của khối này cam kết viện trợ cho Syria 4,8 tỷ euro, tức là 75% tổng số tiền viện trợ. Trước khi diễn ra hội nghị một ngày, EU thông báo sẽ cung cấp thêm 1 tỷ euro cho người tị nạn Syria và những người phải di tản trong năm 2022, nâng tổng số lên 1,56 tỷ euro.
Hội nghị các nhà tài trợ cho Syria diễn ra trong bối cảnh các tổ chức viện trợ đã cảnh báo rằng, nguồn cung nông sản toàn cầu bị ảnh hưởng do xung đột Nga-Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở Syria. Liên hợp quốc cho biết đang nỗ lực huy động 10,5 tỷ USD trong năm nay để triển khai các hoạt động nhân đạo cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen (G.Pi-đơ-xơn) nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria, với nguy cơ căng thẳng leo thang thường trực. Trong khi đó, hoạt động ngoại giao thậm chí còn khó khăn hơn trước đây do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỷ ở Syria đã cướp đi sinh mạng của gần 500.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hơn 60% dân số Syria bị mất an ninh lương thực và phải sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, một nửa dân số Syria trước chiến tranh (khoảng 23 triệu người) đã phải di tản do xung đột. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng cộng thêm sự lan rộng của dịch Covid-19 càng khiến cuộc sống của người dân Syria vô cùng khó khăn.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, chỉ tính riêng tại Syria hiện có hơn 6,5 triệu trẻ em đang cần được hỗ trợ, con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria cách đây hơn 11 năm. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (G.Bo-ren) cho rằng khó khăn chồng chất đè nặng lên những người Syria nghèo khổ do giá lương thực và năng lượng leo thang.
Ông kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ Syria và cho rằng cam kết chính trị của EU đối với quốc gia Trung Đông này phải được hỗ trợ từ các cam kết tài chính mạnh mẽ. Năm 2021, EU, Mỹ và các quốc gia khác đã cam kết hỗ trợ 6,4 tỷ USD để giúp đỡ người Syria và các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, con số đó thấp hơn nhiều so với 10 tỷ USD mà Liên hợp quốc yêu cầu.
Số tiền cam kết tài trợ dù như “muối bỏ bể" với một quốc gia bị chiến tranh và xung đột tàn phá trong hơn 10 năm qua, song là khoản viện trợ cần thiết giúp ngăn chặn tái diễn các thảm kịch nhân đạo ở Syria.