Quy trình bầu cử pháp định
Luật pháp Mỹ ấn định ngày bầu Tổng thống (định kỳ 4 năm 1 lần) là “ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11”, tức là thứ ba trong tuần từ ngày 2/11 đến 8/11.
Ứng cử viên chiến thắng và trở thành Tổng thống Mỹ dựa trên kết quả phiếu bầu của cử tri đoàn (gồm 538 đại cử tri) chứ không phải thông qua đa số phiếu phổ thông toàn quốc. Khi bỏ phiếu, cử tri bầu cho ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống liên danh tranh cử, nhưng lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông, chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang mình. Số lượng đại cử tri được phân bổ cho 50 bang và thủ đô Washington D.C, chủ yếu dựa trên dân số của từng bang.
Các “bang chiến trường”, còn gọi là “bang rung lắc”, là thuật ngữ chỉ những bang khó dự đoán trước kết quả nhưng lại đóng vai trò then chốt, quyết định ứng cử viên chiến thắng và thay đổi qua các kỳ bầu cử theo xu hướng kinh tế và nhân khẩu học ở mỗi bang.
Ở Mỹ, một số bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, như California, New York và một số khác ủng hộ đảng Cộng hòa, như Oklahoma, Alabama. Năm 2020, trong số 538 phiếu bầu cử tri đoàn, các “bang chiến trường” chiếm hơn 17%.
Phần lớn các bang ở Mỹ đều cho phép cử tri bỏ phiếu sớm (trừ Alabama, Mississippi và New Hampshire), sớm nhất là từ ngày 20/9 (ở một số bang như Minnesota, South Dakota hay Virginia). Trong cuộc đua vào Nhà trắng năm 2020, khoảng 70% trong số 154,6 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, bằng hình thức trực tiếp hoặc qua thư. Một số ít bang và thủ đô Washington D.C tổ chức bầu cử hoàn toàn qua thư, theo đó, mọi cử tri đã đăng ký đều được gửi phiếu để bầu và gửi lại trước ngày bầu cử.
Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden đã rút khỏi chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, qua đó tạo cơ hội cho Phó Tổng thống Kamala Harris được đề cử đại diện đảng Dân chủ cạnh tranh với cựu Tổng thống Donald Trump bên đảng Cộng hòa giành ghế tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Trong trường hợp chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử thứ 60 này, ông Donald Trump (tổng thống thứ 45) sẽ là người thứ hai trong lịch sử Mỹ nắm quyền trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, sau Tổng thống Grover Cleveland, Tổng thống thứ 22 và 24 của Mỹ, nắm quyền từ năm 1885 đến năm 1889 và từ năm 1893 đến năm 1897.
Cuộc bầu cử khó đoán định
Từ khi bắt đầu vận động tranh cử đến những tuần cuối chạy đua nước rút, cả hai ứng cử viên đều nỗ lực tận dụng cơ hội để nhấn mạnh các cam kết về kinh tế, chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri Mỹ. Tháng 9/2024, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố cương lĩnh chính sách tranh cử mới với chủ đề “Một con đường mới tiến về phía trước”, trong đó nổi bật chương trình nghị sự về kinh tế và đối ngoại, cũng như những mục tiêu mấu chốt nếu bà Harris thắng cử.
Về kinh tế, chính quyền của bà Harris dự kiến cắt giảm thuế cho hơn 100 triệu người dân Mỹ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, cắt giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày thông qua các biện pháp như hỗ trợ thuế cho gia đình có trẻ em, người có thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà lần đầu trả góp, gia hạn áp giá trần với thuốc tiểu đường và mức trần đối với chi trả y tế…
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cam kết mạnh mẽ về giải quyết lạm phát, thúc đẩy sản lượng năng lượng và nâng cao mức sống của người dân Mỹ. Vận động tranh cử tại bang North Carolina hôm 14/8, ông Donald Trump tuyên bố kế hoạch đảo ngược các hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden về sản xuất nhiên liệu hóa thạch, sử dụng mọi công cụ cần thiết để hạ nhiệt lạm phát trong năm đầu tiên khi lên nắm quyền, bãi bỏ các khoản thuế đối với trợ cấp an sinh xã hội.
Ông Trump cũng khẳng định kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ giúp nước Mỹ trả hết nợ, đồng thời cam kết giảm giá năng lượng đến 70%. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ được cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump tập trung hướng tới, nhằm lấy lòng những cử tri còn đang lưỡng lự. Cả hai ứng cử viên đều có những cam kết nhằm thúc đẩy đầu tư cho ngành sản xuất của Mỹ. Trong khi bà Harris cam kết “vạch ra một con đường mới để tiến về phía trước”, ông Trump lại nhấn mạnh đến kế hoạch áp thuế toàn diện đối với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh kinh tế, nhập cư cũng là vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 16/10, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh, việc không thông qua được dự luật lưỡng đảng về nhập cư từ nhiệm kỳ trước là nguyên nhân chủ yếu khiến làn sóng nhập cư gia tăng.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng không ít lần tuyên bố sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề di cư ở biên giới phía nam giáp Mexico. Bà khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy luật biên giới toàn diện nhằm siết chặt tình trạng di cư vào Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ nghiêm trị những đối tượng vượt biên trái phép.
Việc bà Harris bày tỏ cứng rắn trong vấn đề nhập cư được xem là nỗ lực ghi điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong bối cảnh đảng Cộng hòa coi vấn đề nhập cư là mũi nhọn để công kích ứng cử viên đảng Dân chủ. Thực tế khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump luôn coi siết quản lý nhập cư là trọng tâm trong chương trình nghị sự. Thậm chí, trong cuộc vận động tranh cử ở Wisconsin hồi tháng 6/2024, ứng cử viên đảng Cộng hòa còn tuyên bố nếu đắc cử, sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép.
Ngoài những vấn đề trong nước, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng giành nhiều nỗ lực lấy lòng cử tri với các cam kết về chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Không chỉ đề cao kinh nghiệm quốc tế, hình ảnh Phó Tổng thống Kamala Harris như một nhà ngoại giao không biết mệt mỏi và hiệu quả, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ còn khẳng định bà Harris sẵn sàng đương đầu để bảo vệ các lợi ích của Mỹ, thúc đẩy hòa bình tại các điểm nóng, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump cũng gây được chú ý với tuyên bố có giải pháp để chấm dứt các cuộc khủng hoảng tại Ukraine và khu vực Trung Ðông.
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump không chỉ là cuộc đua giữa hai ứng cử viên với nhiều điểm khác biệt, mà còn là cuộc cạnh tranh lựa chọn đường hướng cho tương lai nước Mỹ. Tuy nhiên, dù là ai, người thắng cử cũng đứng trước không ít thách thức, trong đó trọng tâm là các vấn đề kinh tế, nhập cư và đối ngoại.
Các mốc quan trọng của cuộc tổng tuyển cử
- Ngày 5/11/2024: Ngày bầu cử.
- Cuối tháng 11/2024: Kết quả chính thức được công bố.
- Ngày 17/12/2024: 538 đại cử tri, hay cử tri đoàn, họp tại các bang tương ứng và thủ đô Washington D.C để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống.
- Ngày 25/12/2024: Hạn nhận phiếu bầu của đại cử tri. Chủ tịch Thượng viện (chức vụ do Phó Tổng thống đương nhiệm nắm giữ) và Thủ thư lưu trữ chịu trách nhiệm tiếp nhận.
- Ngày 6/1/2025: Phó Tổng thống đương nhiệm chủ trì kiểm 538 phiếu cử tri đoàn tại phiên họp chung của Quốc hội (lưỡng viện), công bố kết quả và tuyên bố người thắng cử.
- Ngày 20/1/2025: Lễ nhậm chức của Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ, diễn ra tại Ðiện Capitol, thủ đô Washington D.C.
(Theo Reuters)
Các “bang chiến trường” trong 5 cuộc bầu cử gần nhất:
- Năm 2004: Iowa, Nevada, New Hampshire, New Mexico, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin.
- Năm 2008: North Carolina, Florida, Indiana, Missouri và Montana.
- Năm 2012: North Carolina, Florida và Ohio.
- Năm 2016: Florida, Michigan, Maine, Minnesota, Nevada, New Hampshire, Pennsylvania và Wisconsin.
- Năm 2020: Arizona, North Carolina, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
(Theo Reuters)