Có quỹ hỗ trợ cộng đồng đã liên hệ qua Facebook với “bác sĩ Khoa” để đề nghị tài trợ máy thở cho nơi người này đang làm việc. Tuy nhiên, cư dân mạng cũng nhanh chóng phát hiện ra những điểm bất bình thường từ câu chuyện nêu trên, như danh tính thật sự của “bác sĩ Khoa”; không có ca mổ song thai nào trên địa bàn thành phố tại thời điểm đó; không có chuyện sắp xếp cho một sản phụ thai đôi, nhiễm Covid-19 sắp sinh cùng phòng với bệnh nhân Covid-19 nặng; bác sĩ không thể tự ý rút máy thở của bệnh nhân này cắm qua cho bệnh nhân khác…
Sau khi nhận được thông tin về sự việc, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh sự việc. Trưa 8/8, Sở Y tế thành phố khẳng định đây là thông tin hư cấu. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố hoàn toàn không có việc rút ống thở của bệnh nhân này để nhường cho bệnh nhân khác. Việc rút ống thở hay không là tùy thuộc vào các chỉ số sinh tồn của người bệnh và phải thông qua hội chẩn. Sự việc hiện vẫn tiếp tục được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng liên quan đến những câu chuyện thương tâm liên quan đến dịch bệnh, ngày 5/8 trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện của người tự xưng là shipper kể về việc chứng kiến một người chở 27 hũ tro cốt của người mất vì Covid-19 xếp trong một giỏ nhựa chở sau xe đi giao ở các khu phong tỏa. Người này cho biết chỉ chưa đầy 2 km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) một nửa số tro cốt đã được giao.
Trong câu chuyện của mình, người kể chuyện còn đưa ra thông tin về việc người giao tro cốt gặp em bé có bốn người thân bị mất trong dịch Covid-19, hàng xóm phải ra ký nhận hộ hai hũ cốt của cha mẹ.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương được đề cập trong bài viết khẳng định không có gia đình nào có trường hợp người chết như vậy, tháng 7 phường không có người mất, tháng 8 có ba trường hợp, trong đó có hai trường hợp mất vì Covid-19.
Ðáng tiếc, những thông tin được “kể lại” chưa hề được kiểm chứng về tính xác thực đã lập tức được lan tỏa trên mạng khiến nhiều độc giả sợ hãi.
Từ sự việc nêu trên có thể thấy vấn nạn tin giả đang hoành hành và phát triển ngày càng tinh vi, khó lường. Không chỉ đưa những tin xấu, có nội dung kích động, chống phá, đối tượng tung tin giả còn dựng lên những câu chuyện cảm động, thương tâm, đánh vào lòng thương xót của cộng đồng.
Tuy nhiên, sau những câu chuyện tưởng chừng như ca ngợi hành động đẹp, sự hy sinh cao cả, hoặc những câu chuyện có mầu sắc tình cảm nhằm khơi dậy sự đồng cảm, chia sẻ của số đông sẽ dấy lên những sự hồ nghi, hoang mang về tình hình dịch bệnh, về sự nỗ lực chăm lo đời sống người dân của các cấp chính quyền, khiến người dân hoảng sợ về một hệ thống y tế kiệt quệ, từ đó cho rằng Việt Nam đang “vỡ trận”. Trong không ít trường hợp, đó là thủ đoạn vô cùng hiểm độc, hòng mưu đồ gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội. Thực tế hiện nay dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam đang tiếp tục diễn biến phức tạp, song vẫn trong tầm kiểm soát, không nơi nào thiếu thiết bị y tế đến mức phải tước đoạt sự sống của bệnh nhân. Các nhân viên y tế tuyến đầu đều nỗ lực hết sức để cứu chữa các bệnh nhân, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Sự việc trên là bài học về sự tỉnh táo, cảnh giác trước nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Rất có thể vì nhẹ dạ, cả tin, để cảm xúc lấn át lý trí nhiều người sẽ bị dẫn dắt bởi tin giả để rồi hoang mang, sợ hãi, mất niềm tin vào chính quyền và cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Do đó cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý mạnh tay với những tài khoản phát tán thông tin sai sự thật thì cũng cần đòi hỏi trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiếp nhận, xử lý tin giả, tin sai sự thật.
Vấn nạn tin giả nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm xói mòn niềm tin trong nhân dân, gây cản trở cho công tác phòng, chống dịch bệnh đang hết sức cam go hiện nay.