Quản lý rừng bền vững

Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh... Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý bền vững.

Rừng cây cao su đạt Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú.
Rừng cây cao su đạt Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú.

Tháng 10/2020, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã chính thức được Hội đồng chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận. Ðây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững của Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế, mở ra cơ hội cho các sản phẩm của ngành lâm nghiệp vươn ra thị trường thế giới. Cũng trong năm 2020, PEFC đã đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 11.423 ha rừng cao-su cho một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG). Ðến cuối năm 2021, đã có hơn 54.500 ha cao-su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao-su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.

Ðến nay, cả nước đã có hơn hai triệu ha rừng của chủ rừng là tổ chức được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững, trong đó có hơn 300.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC, theo đó hơn ba triệu m3 gỗ rừng trồng có chứng chỉ đi vào chuỗi cung ứng phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2025 có 500.000 ha rừng có chứng chỉ và đến năm 2030 có một triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Có thể nói, việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức, năng lực về thực thi quản lý rừng bền vững cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp, các chủ rừng, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp.

Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030; hơn 80% số cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến;100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Chính phủ cũng yêu cầu ngành lâm nghiệp tiếp tục bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng ở mức ổn định 42-43% trong những năm tới. Ðồng thời, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu các loại rừng theo hướng hợp lý, bảo đảm đa dạng hóa nguồn thu gắn với việc duy trì và nâng cao chất lượng rừng và các loại hình dịch vụ hệ sinh thái rừng. Ðể phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, cần đẩy mạnh theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị tăng cao...

Cùng với việc xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi cả nước những năm qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho các chủ rừng, một mặt tăng thu nhập cho người dân, mặt khác là đòn bẩy tài chính nhằm đầu tư nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, chống biến đổi khí hậu hiệu quả; góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).