Phòng ngừa từ xa, đấu tranh quyết liệt, chống tham nhũng

Những năm gần đây, nhiều vụ việc tham nhũng được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến đầy khó khăn, phức tạp này. 

Phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ít người để ý rằng tham nhũng nghiêm trọng nhiều khi bắt nguồn từ những sự việc tiêu cực nhỏ trong công việc mà hay gọi là “tham nhũng vặt”. Đây là hành vi lạm dụng quyền lực diễn ra hằng ngày của những người làm trong cơ quan công quyền, nhất là bộ phận có giao tiếp với người dân. Những hành vi ấy nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ nguy cơ làm cho cán bộ, công chức trượt dài trong sự suy thoái về đạo đức, lối sống, rồi thoái hóa, biến chất lúc nào không hay.
 
Một thời gian, dư luận xã hội thường phê phán gay gắt tình trạng “tham nhũng giờ làm việc”. Những cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm đủ tám tiếng giờ hành chính nhưng hiệu quả công việc kém. Nhiều khi trong giờ làm việc, họ không thực hiện nhiệm vụ mà làm việc riêng, chỉ ngồi công sở để “điểm danh” cho đủ. Khi bị cấp trên “ốp” xuống thì lập tức đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm. Vẫn còn nhiều hành vi tiêu cực sâu xa hơn mà khi gặp phải, người dân thường chỉ “ngậm ngùi” chấp nhận. Thí dụ như những “giấy phép con”, “một cửa” nhưng có “nhiều bàn”, những quy định chồng chéo được triển khai một cách máy móc, hình thức, hách dịch… khiến cho công việc rối như mớ bòng bong.

Từng có câu chuyện mà báo chí đã phải lên tiếng. Ấy là một đơn vị nọ chỉ nhận mẫu đơn của cửa hàng photocopy đã được “chỉ định”, mặc dù đơn của người đến giao dịch có nội dung không sai lệch. Khai lại một tờ đơn không quá phức tạp, tiền mua đơn cũng chẳng đáng là bao song “quy định riêng” ấy khiến người ta rất bất bình vì hết sức phi lý và tốn kém thời gian…

Với những hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt, pháp luật khó gọi tên, định tội và chưa có chế tài xử lý. Nhiều người dân thì thường chọn cách “cam chịu” bỏ qua. Hệ lụy của những hành vi tiêu cực tưởng như nhỏ ấy thực ra là rất lớn. Đó là khi nó đã trở thành phổ biến trong xã hội thì hậu quả để lại rất lâu dài. Hậu quả lớn nhất là làm mất niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền và xa hơn là gây tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, chúng ta rất cần phải có nhận thức đúng đắn hơn về những hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt để có tiêu chí nhận diện cho rõ ràng, từ đó có những biện pháp, cơ chế ngăn chặn hiệu quả, tránh để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho Nhà nước và xã hội. 

Đáng mừng là trong những năm qua, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính để người dân có thể dễ dàng giám sát, góp ý. Cùng với đó, chính quyền các địa phương mở rộng các hình thức tiếp công dân, đối thoại, gặp gỡ nhân dân để lắng nghe ý kiến phản ảnh, bức xúc từ thực tiễn… Đó là chuyển động tích cực nhằm thống nhất về nhận thức và hành động.

Tại Đại hội XIII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được nhấn mạnh nhằm tập trung triển khai có hiệu quả hơn nữa, góp phần củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó sẽ thống nhất gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực tại một đầu mối là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Qua đó góp phần nhận diện những hành vi tiêu cực một cách cụ thể hơn để có thể “chỉ mặt, gọi tên” và áp dụng hình thức kỷ luật, chế tài xử lý tương ứng, bảo đảm cho việc ngăn ngừa và chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn. 
 
Chống tham nhũng, tiêu cực phải được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi lãnh đao, cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu. Dũng cảm chiến thắng bản thân, dũng cảm lên tiếng đấu tranh là sức mạnh quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.