Nhiều điểm mới trong công tác phòng, chống ma túy

Với đa số đại biểu Quốc hội (QH) biểu quyết tán thành, tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) (sửa đổi). Điều đáng nói đây là dự án luật duy nhất mà QH thảo luận và thông qua trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này.

Luật PCMT (sửa đổi) gồm tám chương, 55 điều, quy định về PCMT; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong PCMT; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về PCMT... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Theo dõi các nội dung thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu QH và cử tri nhận xét dự thảo luật được chuẩn bị, chỉnh sửa kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các đại biểu QH, có thể nói đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về PCMT. Hầu hết ý kiến góp ý tại kỳ họp trước đã được Ban soạn thảo và cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, và bổ sung, hoàn chỉnh các quy định trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành. Tại kỳ họp này, tại hội trường, nhiều đại biểu QH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong công tác đấu tranh PCMT. Về trách nhiệm trong PCMT, từ Điều 6 đến Điều 11 thuộc Chương II của dự thảo luật quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ quan báo chí; trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên và các tổ chức khác; trách nhiệm của cơ quan chuyên trách PCMT. Qua thực tiễn, các đại biểu đề nghị QH nghiên cứu, xem xét bổ sung điều luật quy định về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh liên quan lĩnh vực này. Vừa qua, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng các chủ thể kinh doanh, nhất là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, ka-ra-ô-kê, khách sạn để xảy ra nhiều vụ các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Một trong nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu quan tâm, đó là cần tiếp tục duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, khuyến khích đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước... Thực tiễn thi hành hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, xuất phát từ sự thiếu hụt về nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng thanh toán chi phí cai nghiện của người nghiện và gia đình. Theo ý kiến của nhiều đại biểu QH và các chuyên gia làm công tác xã hội, tiếp tục duy trì hình thức này là cần thiết, tạo cơ hội để người nghiện ma túy không bị tách biệt khỏi cộng đồng, có điều kiện hòa nhập xã hội sau này. Bên cạnh đó, dư luận xã hội và các đại biểu bày tỏ quan tâm về các thủ tục đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Việc quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi như dự thảo luật vừa qua là phù hợp. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, đây luôn là nhóm đối tượng được quan tâm bảo vệ khi tham gia các quan hệ pháp luật. Việc đưa các em vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần xem xét cẩn trọng, bảo đảm công khai, khách quan trong quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Với tinh thần như vậy, mục tiêu xây dựng luật vừa chú trọng việc bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của trẻ, vừa bảo đảm việc tiến hành điều trị cai nghiện đối với nhóm đối tượng nghiện là trẻ em. Ngoài ra, với nội dung quản lý sau cai nghiện, luật sửa đổi lần này quy định, các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện bao gồm hỗ trợ học tập văn hóa đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; hỗ trợ học nghề, vay vốn, tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội…, qua đó thể hiện cách nhìn nhân văn và thể hiện sự đón nhận hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, QH biểu quyết thông qua Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với đa số đại biểu tán thành. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp: Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Như vậy, Luật PCMT (sửa đổi) có nhiều điểm mới, kỳ vọng tạo bước đột phá trong công tác PCMT, góp phần tích cực ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy gây nhức nhối trong xã hội.