Chăn nuôi nông hộ hướng đến sản xuất chuyên nghiệp

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 50/QÐ - TTg ngày 4-9-2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Quyết định 50), đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai quyết định này theo hai hình thức văn bản hướng dẫn riêng hoặc lồng ghép với các chính sách khác. Tổng kinh phí hỗ trợ chăn nuôi nông hộ toàn quốc là hơn 832 tỷ đồng gồm hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn, trâu; mua con giống gia súc, gia cầm, xử lý chất thải, đệm lót sinh học và hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên.

Qua thực tế triển khai cho thấy chính sách đúng đắn này đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi, nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, cải tạo và tăng năng suất đàn lợn, trâu, bò…; đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng từ 5% đến 10%, cuộc sống của hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn được cải thiện tích cực.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập như: Một số tỉnh chưa chủ động được ngân sách địa phương, còn thụ động trông chờ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để triển khai. Phương thức hỗ trợ chính sách theo Quyết định 50 là hỗ trợ sau đầu tư nên người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen với phương thức này. Ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu kinh phí đối ứng để thực hiện đầu tư mua con giống trước, nhận hỗ trợ sau. Do giá sản phẩm chăn nuôi thị trường không ổn định, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người chăn nuôi ngại tái đàn, quy mô chăn nuôi giảm, cho nên các nông hộ hạn chế đầu tư xây mới các công trình khí sinh học. Giá trị làm đệm lót sinh học không cao, mức hỗ trợ không nhiều, phần lớn là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, diện tích chuồng trại không lớn, nên họ chưa thật sự quan tâm đúng mức…

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tỷ lệ hộ chăn nuôi là tương đối lớn, tương lai chăn nuôi nông hộ vẫn là xung lực quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, bảo đảm an ninh, an toàn về thực phẩm; tạo công ăn việc làm, ổn định khu vực nông thôn. Do vậy, thời gian tới, nên tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ cùng với phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn một cách cụ thể và có tính khả thi cao. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chủ lực và xúc tiến thương mại. Có chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và công nghệ cao để chăn nuôi phát triển, nhất là chăn nuôi nông hộ hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học. Ðẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi số và khoa học - công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi đặc sản, bản địa hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Anh Quang