Nhà lưu niệm Đại danh y Đào Công Chính cũng là công trình kỷ niệm 185 năm ngày thành lập huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
Hoà thượng Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng và Thượng tọa Thích Quảng Minh - Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng chủ trì nghi lễ an vị thần tượng Đại danh y Đào Công Chính
Đào Công Chính sinh năm 1639, chưa rõ năm mất, tại làng Hội Am, tên Nôm là làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) vốn là một làng cổ, trung tâm của vùng văn hiến đông nam huyện Vĩnh Lại.
Thần tượng danh y Đào Công Chính tại nhà lưu niệm. |
Danh y Đào Công Chính vốn có tên là Đào Dĩnh Đạt, khi ra thi mới đổi tên là Công Chính. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời. Theo gia phả họ Đào và hương phả làng Hội Am hiện giữ được thì đời Hậu Lê, đời Mạc, tiên tổ của Đào Công Chính có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học Quốc Tử Giám.
Đào Công Chính được suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.
Đông đảo người dân địa phương tham dự lễ rước. |
Danh y Đào Công Chính có 4 bộ sách gồm “Trùng san Lam Sơn thực lục”, “Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục”, “Bảo sinh diên thọ toản yếu” và “Bắc sứ thi tập”. Trong số này, bộ “Bảo sinh diên thọ toản yếu” gồm 5 quyển, bàn về phép vệ sinh, dưỡng sinh để sống khỏe và kéo dài tuổi thọ, cũng là cuốn sách y lý sớm nhất nước ta, có giá trị cho đến ngày nay. Năm 2004, Nhà xuất bản Thông tấn đã ấn hành bộ “Bảo sinh diên thọ toản yếu”.