Năm 2021 được đánh giá là một năm "mưa thuận, gió hòa" với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có phòng ngừa thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi về: Nhà ở, vệ sinh nước sạch, sinh kế…, từ nguồn Lời kêu gọi trong nước và quốc tế ủng hộ nhân dân miền trung khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía bắc; hỗ trợ để sửa chữa, xây nhà an toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Là một trong những tỉnh trọng điểm thiên tai của khu vực duyên hải miền trung, Quảng Nam hằng năm phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai: bão, lũ, sạt lở đất… Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và được giao nhiệm vụ là thành viên của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam có nhiều cách làm hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai, thảm họa gây ra. Hội luôn xác định vấn đề nâng cao năng lực cho đội ứng phó cộng đồng để phối hợp các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở, nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam Phan Công Ry cho biết: Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội tham mưu thành lập 36 đội ứng phó cộng đồng nòng cốt tại các xã trọng yếu về thiên tai. Thực tế cho thấy, đội ứng phó cộng đồng đã triển khai các hoạt động ứng phó rất hiệu quả… đặc biệt đã phát huy vai trò "xung kích", "phản ứng nhanh" trong ứng phó cứu trợ khẩn cấp.
Đội ứng phó cộng đồng do UBND mỗi xã thành lập với số lượng thành viên từ 24-30 người. Đội được chia làm các tổ, phối hợp các thôn, tổ chức tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Các thành viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cơ bản theo mô hình hoạt động cộng đồng ứng phó thảm họa. Hoạt động còn được điều hành qua nhóm Zalo Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh, với gần 100 thành viên ở khắp nơi trong tỉnh. Đây là thành phần mở rộng gồm các cán bộ chữ thập đỏ cơ sở, tình nguyện viên từ các ngành ở cấp xã, thôn, người có uy tín... Khi có thiên tai, những lực lượng này bám sát, gần nhất, nhanh nhất có thông tin, hình ảnh… từ hiện trường.
Khi xảy ra thiên tai, đội ứng phó hỗ trợ người dân sơ tán, sơ cấp cứu người bị nạn, thực hiện hiệu quả các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và tổ chức phối hợp với chính quyền, các tổ chức, cá nhân cứu trợ khẩn cấp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương. Sau thiên tai, thành viên các đội ứng phó phối hợp với các lực lượng tại các địa phương tiến hành các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác khắc phục hậu quả của thiên tai; tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, nhu cầu để đề xuất cứu trợ; hỗ trợ với chính quyền địa phương tham gia cấp phát hàng cứu trợ.
Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình áp dụng các biện pháp về công nghệ thông tin nhằm giảm tác động do thiên tai gây ra, trong đó tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ, thành viên Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động đánh giá thiệt hại, nhu cầu trong giai đoạn khẩn cấp và xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng các phần mềm thu thập thông tin và sử dụng các phần mềm phân tích thông tin bảo đảm hiệu quả. Các nhóm Truyền thông trong tình huống khẩn cấp và Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh đã lập và kết nối các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage Quảng Bình phòng, chống thiên tai… Hệ thống cảnh báo sớm được thiết lập, sẵn sàng hoạt động khi tình huống xảy ra.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Đào Hữu Tuấn chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong giai đoạn khẩn cấp mang lại hiệu quả rõ rệt. Số liệu thu thập tại địa bàn được cập nhật đầy đủ, thông tin cụ thể, đánh giá rõ từ những thiệt hại để có sự phân tích và đề xuất nhu cầu phù hợp. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho các đội ứng phó; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.