Cung không thỏa mãn cầu, giá dầu khó hạ nhiệt

NDO -

Giá dầu thô thế giới chính thức chạm mốc 100 USD/thùng trong tuần trước, đánh dấu sự trở lại của thời kỳ giá dầu đạt mốc 3 chữ số sau gần 8 năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù, giá dầu thô đã có bước điều chỉnh do áp lực của sản lượng gia tăng từ Mỹ, tuy nhiên đến hiện tại, giá dầu Brent thậm chí đã vượt xa mốc 110 USD/thùng. Giá dầu tăng đã giúp chỉ số hàng hóa MXV-Index liên tục lập kỷ lục mới, đóng cửa ngày 2/3 ở mức 2.903 điểm. Giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đạt 9.739 tỷ đồng, trong đó nhóm năng lượng chiếm gần 40% dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước.

Nhiều quốc gia vẫn “khát dầu”

Lấy thí dụ như Trung Quốc, 1 quốc gia tiêu thụ hàng hóa và nguyên vật liệu hàng đầu thế giới, tháng 2 và 3 là thời kỳ gia tăng nhập khẩu các loại hàng hóa trên thị trường. Tương tự, đối với thị trường dầu thô, hiện đang là giai đoạn quốc gia này tăng cường mua hàng để phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như để bổ sung cho các kho chứa. 

Cân bằng cung-cầu chưa thỏa mãn, giá dầu khó bị “đá” khỏi mốc 100 USD -0
 

Theo hãng tin Reuters, các nhà sản xuất tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường mua dầu trên thị trường quốc tế kể từ đầu tháng 2. Tập đoàn dầu quốc tế Vitol cho biết, giá dầu Brent đã tăng gần 45% lên 112,93 USD/thùng kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên mức giá này chưa thể làm giảm nhu cầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo họ, tồn kho dầu mà các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nắm giữ trong cuối năm 2021 ở mức tương đối thấp, khiến cho họ phải tìm cách bổ sung dần.

Cân bằng cung-cầu chưa thỏa mãn, giá dầu khó bị “đá” khỏi mốc 100 USD -0
 

Theo công ty nghiên cứu dữ liệu Kayrros, tổng trữ lượng dầu thô Trung Quốc nắm giữ, dựa vào các dữ liệu giám sát vệ tinh từ các bể chứa là khoảng 950 triệu thùng. Để so sánh, tồn kho dầu Mỹ tại kho dự trữ chiến lược hiện tại đang ở mức 580 triệu thùng. Tại vùng giá hiện tại, khả năng cao Trung Quốc, với vị thế là một trong các quốc gia có nền kinh tế vững mạnh hàng đầu, vẫn còn có thể tiếp tục mua vào. 

Việc bảo đảm nguồn cung trong nước là một vấn đề luôn được coi trọng, đặc biệt do các “bài học” từ năm ngoái. Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trong nửa cuối năm 2021 đã khiến cho cho Trung Quốc và các quốc gia châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung nhập khẩu, có lúc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm điện, cũng như một số nhà máy phải tạm thời đóng cửa do thiếu nhiên liệu. Điều gây ảnh hưởng đến cả các hoạt động sản xuất lẫn các sinh hoạt nói chung.

Nguồn cung không cải thiện đáng kể

Để cải thiện cân bằng cung-cầu trên thị trường, Mỹ và các nước đồng minh đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu ra thị trường. Trong số đó, 30 triệu thùng sẽ đến từ các kho dự trữ chiến lược tại Mỹ, số còn lại đến từ các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA như: Đức, Anh, Italia, Hà Lan hay Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo IEA, đây là thông điệp mạnh mẽ của nhóm đến thị trường rằng sẽ không để xảy ra thiếu hụt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với lượng dầu tiêu thụ của thế giới đang ở mức gần 100 triệu thùng dầu/ngày như hiện nay, con số trên chưa đủ để đáp ứng, khi nguồn cung liên tiếp gặp gián đoạn. 

Cân bằng cung-cầu chưa thỏa mãn, giá dầu khó bị “đá” khỏi mốc 100 USD -0
 

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, các thương nhân cũng đang hạn chế mua sản phẩm dầu Urals của Nga, do các lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Sản lượng dầu của Nga trong tháng 2/2022 rơi vào khoảng 11 triệu thùng dầu/ngày, do đó điều này đang tạo ra áp lực đến giá thị trường quốc tế. 

Không những vậy, dầu thô của Kazakhstan đi qua đường ống CPC, với công suất khoảng 1,2 triệu thùng/ngày cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm ra, do các thương nhân gặp khó khăn trong việc phân biệt xuất xứ. Theo công ty tài chính Mizuho Securities, lượng dầu giải phóng phải nhiều hơn nữa mới đủ để tạo ra phản ứng mạnh trên thị trường. Thực tế, ngay trong tối thứ Ba, sau thông báo của IEA, giá dầu vẫn tiếp tục tăng.

Ngoài ra, kết thúc cuộc họp chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ tối qua, bất chấp các lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ các nước tiêu thụ, nhóm vẫn chỉ duy trì mức tăng khoảng 400.000 thùng/ngày. 

Như vậy, nhóm không thay đổi đường lối nào kể từ cuộc họp tháng 7/2021, bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung-cầu tại thị trường hiện tại lớn hơn rất nhiều do rủi ro địa chính trị. Cuộc họp diễn ra trong thời gian ngắn kỷ lục chỉ khoảng 13 phút, phần nào cho thấy các thành viên trong nhóm có sự đồng thuận lớn về quyết định chung.

Trong tình hình này, khi chưa có giải pháp nào có thể giải quyết hoàn toàn rủi ro về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, không có nhiều khả năng cho thấy dầu sẽ rơi xuống vùng giá 100 USD/thùng. Thực tế, các tổ chức lớn như ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá sẽ vượt mức 120 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn nữa.