Áp lực thi cử chỉ là "giọt nước tràn ly"
Chị Nguyễn Thị L. (Hà Nội) hoảng hốt sau khi tan làm buổi chiều về nhà. Cậu con trai gia đình chị cưng yêu hết mực, không tạo áp lực học hành gì nằm thỉu trong chăn, thều thào nói xin bố mẹ đưa đi bệnh viện.
Gia đình bấn loạn khi thấy bên cạnh cháu là mấy vỏ gói thuốc Efferalgan, trên tay có những vết xước giống như vết cứa dao lam. Rất may mắn vì cháu mới uống thuốc và kịp báo gia đình đưa đi viện nên gan chưa bị ảnh hưởng. Các bác sĩ tiến hành rửa ruột cho cháu bé và sát trùng các vết thương và phải nằm viện 10 ngày điều trị tâm lý.
Hơn một năm điều trị, con trai chị L. đã ổn định tâm lý. Cậu bé tâm sự, có những lúc cậu không rõ được vì sao mình có hành vi như vậy, chỉ thấy làm điều đó tâm lý thoải mái hơn. "Lớp cháu cũng có bạn ban đầu cứa tay thế và cháu đã học theo bạn", cậu bé kể lại. Đó là thời điểm cậu nhìn thấy bạn cứa tay từ khi học lớp 9 và những diễn biến dai dẳng đó kéo dài tới khi cậu học lớp 11 dẫn tới hành vi tự tử như vừa qua.
"Năm nay con thi chuyển cấp lên đại học. Gia đình cũng phải theo sát con từng bước. Một năm qua điều trị con đáp ứng khá tốt, vui vẻ hơn", chị L. tâm sự.
Theo TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong một nghiên cứu năm 2019-2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%).
Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.
Trong thực tế điều trị của mình, TS Tâm nhấn mạnh, phần lớn, các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi, áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô và thường sống, suy nghĩ có trách nhiệm hơn khiến trẻ phải nỗ lực không ngừng.
"Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường", bác sĩ Tâm cho hay.
Quá trình stress diễn ra âm thầm và dấu hiệu nhận biết
Qua khai thác bệnh sử, phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3-5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện thì thường trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng.
Để nhận diện được dấu hiệu trầm cảm, stress ở trẻ, TS Minh Tâm chia sẻ: Stress thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên khi trẻ có những hành vi sau, các bậc làm cha mẹ nên quan tâm: Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay...). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.
Trẻ cũng có thể có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội...
Ngoài ra, ở dạng stress cơ năng, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa... Những cơn đau này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào kỳ thi hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi thì các cơn đau này giảm triệu chứng.
Gắn kết gia đình giúp trẻ vượt qua stress
Theo chuyên gia này, stress mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nó không được xử lý thích hợp. Stress mãn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm và các bệnh tim mạch.
Để ứng phó với tình trạng này, các gia đình có thể tham khảo nguyên tắc 5 chữ R và hỗ trợ kiểm soát giấc ngủ cho trẻ.
Nguyên tắc 5 chữ R:
Recognition: xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức. Để vượt qua, thích ứng với stress
Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an
Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích
Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…
Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.
"Giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Với trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên cần 8 đến 10 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ là yếu tố cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng", bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, stress gây bệnh và thể bệnh phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách. Do đó, bác sĩ Tâm cho hay, với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sĩ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh.
Vì vậy, gia đình nên xây dựng cho trẻ một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với stress tốt hơn.
Việc tăng cường sự gắn kết gia đình thông qua những buổi tâm sự, trò chuyện về những tình huống căng thẳng với một người lớn đáng tin cậy có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhìn nhận mọi thứ và tìm ra giải pháp. Đây là một trong những phương thức tốt nhất giúp trẻ nhận thức ra vấn đề của mình.
Tập luyện, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời, dành thời gian trong thiên nhiên cũng là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Chuyên gia này cho hay, stress là điều không thể tránh trong cuộc sống và đây là thử thách để mỗi người trưởng thành hơn trong cuộc sống. Vì thế với con trẻ, mỗi bậc làm cha mẹ tùy theo năng lực, khả năng nhận thức và đáp ứng của con nên có những mục tiêu vừa sức, phù hợp và tăng dần để trẻ làm quen, giải mẫn cảm với các áp lực của cuộc sống.