COP26: Hơn 10 quốc gia cam kết bảo vệ các đại dương chống biến đổi khí hậu

NDO -

Ngày 2/11, hơn 10 quốc gia đã cam kết tăng cường bảo vệ các vùng biển quốc gia của mình chống lại biến đổi khí hậu. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng lời hứa này thiếu tham vọng cần thiết để đảo ngược sự tàn phá đang xảy ra trên các đại dương.

Thuyền đánh cá Billy Rowney rời Cảng Newlyn, Anh. Ảnh: Reuters.
Thuyền đánh cá Billy Rowney rời Cảng Newlyn, Anh. Ảnh: Reuters.

Cam kết này nằm trong số một loạt các cam kết được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh.

Trong đó có cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và cắt giảm 30% lượng khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi các quốc gia công nhận mối liên hệ giữa đại dương và biến đổi khí hậu, cho rằng quản lý bền vững các vùng biển có thể giúp điều hòa khí hậu Trái đất tốt hơn.

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry thông báo nước này trở thành quốc gia thứ 15 ký cam kết về đại dương, và được các nền kinh tế phụ thuộc vào đại dương khác như Indonesia, Nhật Bản, Kenya, Chile và Na Uy tán thành. Cam kết kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo dựa trên đại dương, khử carbon trong các ngành công nghiệp và tiến hành nghiên cứu sâu hơn về đại dương.

Nhưng tuyên bố không đề cập đến việc chấm dứt các khoản trợ cấp lớn hàng năm của chính phủ hỗ trợ các hoạt động như đánh bắt cá công nghiệp, một nguyên nhân chính dẫn đến việc khai thác quá mức các vùng biển.

Tổ chức phi chính phủ về môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) đã cho rằng cam kết này không mạnh mẽ.

Nhà vận động về đại dương Louisa Cason, thuộc tổ chức Greenpeace cho biết: “Chúng ta cần phải hành động để tạo ra một mạng lưới các khu bảo tồn đại dương bao phủ ít nhất 30% đại dương vào năm 2030".

"Chúng ta cần những khu vực không có hoạt động khai thác thương mại, nơi tự nhiên và các quần thể cá mà nghề cá phụ thuộc vào có thể phục hồi và phát triển", cô nói.

Với 2/3 hành tinh được bao phủ trong nước và trải đều trên khắp hành tinh, các đại dương hấp thụ cả nhiệt và carbon dioxide. Nhưng với nồng độ khí nhà kính ở mức cao nhất từng thấy và nhiệt độ ấm lên ở mức báo động, các hệ sinh thái biển đang phải vật lộn để bắt kịp tốc độ.

Tiến sĩ Dawn Wright, trưởng nhóm khoa học và hải dương học tại ESRI, một công ty dữ liệu bản đồ của Mỹ nói với Reuters, hiểu mối quan hệ giữa đại dương và biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với các đại biểu tại COP26 để có thể đưa ra kế hoạch quản lý bền vững các đại dương.

"Chúng ta hiện đang phát ra lượng khí thải carbon lớn do hoạt động của con người trên đại dương. Chẳng hạn như hoạt động đánh bắt các đội tàu đánh cá, các hoạt động làm xáo trộn đáy biển. Chúng ta phải tính đến các đại dương khi tổng hợp lượng khí thải và ô nhiễm. Tôi hy vọng COP26 sẽ nhận ra vấn đề này", ông nói.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu