Công ty bê-tông 620 Châu Thới khơi dòng vốn mới

Công ty bê-tông 620 Châu Thới được cổ phần hóa từ đầu năm 2001 với tổng số vốn là 58,8 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 50%, còn lại là vốn của cổ đông trong và ngoài doanh nghiệp (DN). Giữa năm 2002 cổ phiếu của công ty đã lên sàn giao dịch của thị trường chứng khoán. Năm nay, DN đang ráo riết chuẩn bị phát hành hơn một triệu cổ phiếu (hiện đã có gần sáu triệu cổ phiếu) nhằm tái cấu trúc tài chính, đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động của công ty. Trên cơ sở nào mà HÐQT và Ðại hội cổ đông của DN đi đến quyết định quan trọng này?

Thương hiệu ngày càng uy tín

Cái tên "Bê-tông 620 Châu Thới" vốn rất quen thuộc với dân làm nghề cầu đường ở phía nam, giờ đây người ta còn biết đến nó qua thị trường chứng khoán. Trở lại nơi đây sau bốn năm rưỡi DN được cổ phần hóa, chúng tôi nhận thấy những đổi thay đáng mừng. Từ Tổng giám đốc đến công nhân, ai cũng bận rộn, thứ bận rộn thường thấy ở những DN đang ăn nên làm ra. Gặp chủ tịch công đoàn công ty cũng khó, vì anh Nguyễn Văn Hiệp còn kiêm Giám đốc xí nghiệp dịch vụ có 192 công nhân chuyên gia công cốt thép và cung cấp bê-tông tươi, công việc đều đều. Anh Hiệp cho biết, không giống sự bận rộn "đầu tắt mặt tối" theo kiểu "chiến dịch" sản xuất trước đây, mà là không khí lao động khẩn trương, người nào việc nấy đã trở thành nền nếp.

Tuy nhiên, đây là nền nếp của một quá trình "động" theo hướng tích cực. Các phân xưởng đã được tổ chức lại thành tám xí nghiệp thành viên, công tác quản lý sản phẩm và sản xuất trực tiếp từ gốc sâu hơn và chặt chẽ hơn. Ðến đây, chúng tôi thấy có thêm một số nhà xưởng mới khang trang, được trang bị các cẩu trục và thiết bị khác tạo điều kiện lao động năng suất hơn, an toàn hơn. Sản phẩm mới cũng không ít, các loại cọc ống, cọc ván, cọc rỗng và sàn rỗng bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực, dầm cầu giao thông nông thôn, sản phẩm bê-tông nhẹ... đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm bê-tông 620 Châu Thới. Không chỉ là nhà cung cấp cấu kiện bê-tông, DN đã trực tiếp tham gia thi công và trở thành một nhà thầu có tín nhiệm ở công trình xây dựng cầu Hòa Cầm, hầm Hải Vân ở miền trung, cầu Hùng Vương (Mỹ Tho), tỉnh lộ 864 (Tiền Giang)... Hiện nay kỹ sư, công nhân ở đây vừa là nhà thầu, nhà đầu tư BOT (đầu tư-thu phí hoàn vốn-chuyển giao) vừa là nhà cung cấp bê-tông tươi, cọc bê-tông, dầm Super T (dài 40 m) của các công trình trọng điểm hàng đầu như cầu Cần Thơ, đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, cầu Rạch Miễu (Tiền Giang-Bến Tre) và sắp tới là cầu Phú Mỹ (bắc qua sông Sài Gòn ở TP Hồ Chí Minh). Trao đổi ý kiến với một số thợ lành nghề cũng như cán bộ lãnh đạo của DN, chúng tôi nhận thấy, từ khi cổ phần hóa, tuy không tránh khỏi khó khăn chung mà hiện nay hầu hết các DN xây dựng công trình giao thông đang phải đương đầu (biến động giá cả vật liệu và nguyên liệu, nợ đọng, ngân hàng khống chế hạn mức tín dụng), nhưng Công ty bê-tông 620 Châu Thới vẫn tiếp tục dòng chảy phát triển đã có, với tốc độ nhanh hơn, vững chắc hơn và thu hút thêm hàng trăm lao động mới...

Hai chỉ số đáng lưu ý

DN có rất nhiều loại sản phẩm, riêng đối với dầm Super T, chúng tôi quan tâm nhiều hơn, vì cách đây dăm năm đã trực tiếp chứng kiến sự khai sinh (tiếp nhận công nghệ của nhà thầu nước ngoài) trên công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền. Vào tay thợ bê-tông 620 Châu Thới, loại dầm cầu dẫn này đã phát huy tác dụng nhiều mặt. Kỹ sư Nguyễn Văn Năm, công nhân Mai Xuân Thanh Bình, lái xe Trần Sách Ðô và nhiều người thợ khác đã thực hiện hàng loạt sáng kiến trong vận chuyển, gia công dầm Super T ở công trường xây dựng cầu Hòa Cầm (Ðà Nẵng). Dầm Super T cũng đã được sử dụng trong xây dựng cầu ông Thìn (TP Hồ Chí Minh), Tân An (Long An). Hiện nay, đơn đặt hàng sản phẩm nói trên khá dày dặn: 2.148 phiến dầm trị giá 400 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương; sản xuất, vận chuyển, lao lắp dầm Super T cho toàn bộ phần cầu dẫn phía Tiền Giang của cầu Rạch Miễu (riêng trong năm 2005 phải đạt giá trị 50-60 tỷ đồng) và các cầu lớn Cần Thơ, Phú Mỹ...

Sức sống của một DN cổ phần hóa, như Công ty bê-tông Châu Thới còn có một thước đo quan trọng là thị trường chứng khoán. Giá trị gốc một cổ phiếu của công ty từ 100 nghìn đồng, hiện nay dao động quanh con số 300 nghìn đồng trên sàn giao dịch. Hỏi chuyện một cổ đông, chúng tôi được biết, cổ tức đang hưởng là 15%, không phải lãi bao nhiêu đem chia hết mà vẫn dành một phần thỏa đáng để tái đầu tư. Về cơ cấu HÐQT cũng đang chuyển có sự chuyển dịch: Nhiệm kỳ I (2001-2003) gồm đại diện phần vốn nhà nước và cán bộ chủ chốt đang điều hành công ty. Sang nhiệm kỳ II (2004-2006), một phần ba thành viên HÐQT không phải là người đang điều hành công ty, phản ánh phần nào tỷ lệ vốn góp (nhà nước gần 50%, người trong DN hơn 20%, nhà đầu tư ngoài DN gần 30%). Tất cả nỗ lực nói trên là sự chuẩn bị tích cực nhằm khai thông một dòng vốn rất ít DN trong nước biết đến.

Theo chúng tôi hiểu, chính sự cố gắng này đã dẫn đến điều quan trọng hơn cả, đó là niềm tin vào phương hướng, bước đi và sự phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Chính vì thế, trong Ðại hội cổ đông gần đây nhất, 424/458 phiếu có quyền biểu quyết đã chấp thuận đề xuất của HÐQT sẽ đăng ký phát hành thêm 1.176.358 cổ phiếu (hiện có 5.882.690 cổ phiếu) huy động thêm nguồn vốn mới bằng chính thương hiệu "bê-tông 620 Châu Thới". Vấn đề còn lại là thủ tục, thời cơ và thời điểm phát hành nữa mà thôi. Nếu điều này được thực hiện, Công ty bê-tông Châu Thới sẽ là DN xây dựng giao thông đầu tiên khai thông dòng vốn mới thông qua thị trường chứng khoán, một nhu cầu bức bách mà rất nhiều DN cùng nghề mong muốn nhưng chưa đủ điều kiện triển khai.