Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Long An

Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An được đánh giá cao, hoạt động có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự như mô hình Cổng phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về an ninh trật tự; Ánh sáng an ninh, trật tự; Vùng giáo an toàn về an ninh trật tự; Tiếng loa lưu động.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình "Chốt dân phòng bảo đảm an ninh, trật tự trong khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài" trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An).
Mô hình "Chốt dân phòng bảo đảm an ninh, trật tự trong khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài" trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An).

Long An là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là địa bàn cửa ngõ, có 3 tuyến quốc lộ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền tây; có 13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố; 166 xã; 12 phường và 14 thị trấn; tuyến biên giới giáp với Vương Quốc Campuchia dài 132,79km; có 4 huyện và thành phố Tân An tập trung phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, các hoạt động của các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và là địa bàn tẩu thoát, mang tài sản tiêu thụ của bọn tội phạm từ các tỉnh Miền Tây về Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện toàn tỉnh có 28 khu, 32 cụm công nghiệp (KCN), trong đó có 3 khu công nghiệp do doanh nghiệp vốn nước ngoài làm chủ đầu tư; 16 khu, 14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút được 1.400 dự án, gồm 517 dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI và 883 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thu hút khoảng 109.700 lao động, trong đó có khoảng 1.600 lao động người nước ngoài.

Các khu, cụm công nghiệp và cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu tại các khu vực đô thị hóa nhanh, được xác định là các địa bàn trọng điểm của tỉnh gồm: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Cần Giuộc, thành phố Tân An [1].

Xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác bảo đảm an ninh trật tự và xác định xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là công tác quan trọng để huy động và tập hợp toàn dân cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững ổn định tình hình tại địa bàn cơ sở.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự được xác định rõ ràng về mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp và biện pháp thực hiện. Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, loại hình thông tin tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự và các văn bản hướng dẫn, quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thông báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội với chủ trương xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú theo chiều rộng, chiều sâu và cá biệt; thông qua các buổi họp dân công khai hoá đối tượng; các buổi họp định kỳ của các ban ngành, đoàn thể, chi tổ hội; sinh hoạt câu lạc bộ; phát tờ rơi về phòng, chống tội phạm; qua hệ thống đài truyền thanh địa phương, tiếng loa lưu động trên các phương tiện xe ô-tô, mô-tô, xuồng máy, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, thi viết bài, tiểu phẩm, phóng sự, xây dựng các bản tin, tin nhắn trên mạng điện thoại di động, trang thông tin điện tử, tổ chức tuyên truyền, giao lưu đối tượng vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông có nội dung tuyên truyền sâu sắc, đã tạo khí thế sôi nổi trong phong trào đấu tranh tố giác tội phạm.

Qua đó nâng cao ‎ý thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu 3 giảm của tỉnh đề ra hằng năm.

Về công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, hằng năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, Ban chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các địa phương lựa chọn địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp để xây dựng điểm phong trào gắn với “mô hình” phù hợp đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn để mô hình phát huy được hiệu quả.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực và sức lan tỏa ngày càng sâu rộng; phát hiện những nhân tố mới, cách làm hay hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm.

Tính đến nay, Long An đã xây dựng được 75 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó cấp tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 8 mô hình; địa phương củng cố và duy trì hoạt động 67 mô hình. Ngoài ra, còn có các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh với 6.324 tổ tự quản, có 40.692 thành viên hoạt động hiệu quả [2].

Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đánh giá cao, hoạt động có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, như mô hình: Cổng phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về an ninh trật tự; Ánh sáng an ninh trật tự; Vùng giáo an toàn về an ninh trật tự; Tiếng loa lưu động; 5 lực lượng phối hợp tuần tra; Phát huy sức mạnh tổng hợp xóa tệ nạn chuyển hóa địa bàn; Đội Dân phòng liên xã; Đội xung kích an ninh công nhân; Camera giám sát an ninh, trật tự; Liên kết tự phòng, hiệp đồng chống trộm và nhiều mô hình khác ở cơ sở cũng đang phát huy hiệu quả...; riêng mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” được lực lượng Công an nhân dân, lực lượng Quân sự và biên phòng triển khai thực hiện trên địa bàn 20 xã biên giới góp phần bảo vệ ổn định tình hình an ninh biên giới.

Trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học một số mô hình được Đảng ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm như Cán bộ cơ quan không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; Mỗi đảng viên là an ninh viên; An toàn trong khai thác, quản lý công trình thủy lợi; 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ký‎ cam kết thực hiện khẩu hiệu 3 không: không sử dụng ma túy, không bạo lực học đường, không vi phạm giao thông.

Đặt biệt, từ hiệu quả mô hình “Camera giám sát an ninh, trật tự” của xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc), Phước Lợi (huyện Bến Lức), Công an tỉnh đã có kế hoạch nhân rộng 2 mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay có 112/192 xã, phường lắp đặt được 670 trạm, 1.696 Camera, 115 biển báo tuyến đường có lắp đặt camera an ninh, tổng trị giá kinh phí xã hội hóa trên 12 tỷ đồng; vận động nhân dân tự lắp đặt trên 5.572 camera và 231 hộ đã lắp đặt trước nay xoay hướng camera ra đường phục vụ công tác an ninh; các cơ quan, doanh nghiệp lắp đặt trên 17.110 camera hướng ra đường giám sát an ninh trật tự trên một số tuyến, giao lộ đường giao thông trọng điểm, địa bàn khu dân cư phức tạp về an ninh trật tự, góp phần phòng ngừa tội phạm.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Long An ảnh 1

Công an khu vực cùng dân phòng kiểm tra an ninh, trật tự phòng, chống cháy nổ khu nhà trọ thị trấn Bến Lức. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Long an)

Các mô hình được xây dựng đã phát huy hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát huy sâu rộng, ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ được rõ nét hơn; qua đó cung cấp cho lực lượng Công an nhân dân 7.154 tin về an ninh trật tự, trong đó 3.896 tin có giá trị liên quan hoạt động của tội phạm, giúp lực lượng Công an nhân dân bắt 2.231 vụ với 3.144 đối tượng phạm tội quả tang, thu giữ nhiều tang vật, phương tiện có liên quan hoạt động phạm tội; tham gia vây bắt 458 đối tượng phạm tội hình sự, vận động 9 đối tượng có lệnh truy nã, gây án ra đầu thú; giúp đỡ tiến bộ sữa chữa tốt 4.443/4880 đối tượng vi phạm pháp luật, tái hoà nhập cộng đồng;

Giải tán 2.899 vụ với số lượng 5.692 thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây mất trật tự công cộng; triệt xóa 316 tụ điểm đánh bạc nhỏ lẻ và vận động nhân dân giao nộp 489 dao, mã tấu, công cụ hỗ trợ sử dụng trái phép; giải quyết 1.811 vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giúp chính quyền ngăn chặn, giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điền hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Long An còn tồn tại một số hạn chế sau:

Một số địa phương, đơn vị vẫn còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật nên còn biểu hiện “khoán” cho lực lượng Công an nhân dân, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phong trào chưa được duy trì thường xuyên, một bộ phận cán bộ và nhân dân còn sơ hở mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng hoạt động. Phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa mạnh mẽ và đồng đều, cán bộ các cấp chưa thấy hết vai trò to lớn và sức mạnh của toàn dân trong phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm; việc lồng ghép gắn kết phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm với các phong trào cách mạng khác nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu sự linh hoạt và tính đồng bộ.

Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nuôi dưỡng phong trào và chỉ đạo nhân rộng mô hình còn hạn chế. Chưa thực sự gắn kết và lồng ghép chặt chẽ giữa xây dựng mô hình nói riêng và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung với các công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm.

Một số địa phương xã, phường, thị trấn, cơ quan còn lúng túng trong công tác chỉ đạo xây dựng, thực hiện cơ chế hoạt động, áp dụng các biện pháp, giải pháp duy trì nên một số mô hình, điển hình sau một thời gian hoạt động thì không còn duy trì và phát huy được tác dụng. Nhiều mô hình chỉ mới mang tính phong trào, chưa thực sự phù hợp với tính chất đặc thù của từng địa bàn, chưa xây dựng được quy chế hoạt động và cơ chế phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là kinh phí xây dựng mô hình chủ yếu là vận động xã hội hóa nên ở một số nơi nhất là ở vùng nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào tại địa bàn cơ sở.

Qua hoạt động sơ kết, tổng kết các mặt công tác trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và nghiên cứu tình hình thực tế tại địa phương, Công an tỉnh Long An đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cụ thể như sau:

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, với sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị và vận động toàn dân do lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt.

Để xây dựng và duy trì được phong trào một cách vững chắc, ngoài xây dựng nội dung phong trào thiết thực, còn phải quan tâm xây dựng củng cố được đội ngũ cán bộ nòng cốt ở cơ sở vững mạnh, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, các ban, tổ an ninh trật tự nông thôn, bảo vệ chuyên trách trong các cơ quan, doanh nghiệp, dân quân, tự vệ,... làm chỗ dựa cho nhân dân trong việc thực hiện các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, cần phải xác định đó là lực lượng nòng cốt chiến lược, là những người gần dân, sát dân nhất, có khả năng tuyên truyền, vận động, tập hợp tổ chức quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sức sống của phong trào chính là ở chỗ có nội dung cụ thể thiết thực, phù hợp từng đối tượng, địa bàn; mặt khác khi tiến hành cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm cần có sự lồng ghép, phối hợp giữa nội dung phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên cùng một địa bàn, đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực nhằm hạn chế và từng bước loại trừ những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm và tệ nạn xã hội trong thời gian tới.

Quá trình tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội phải thường xuyên được kiểm tra và đôn đốc thực hiện; phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng động viên kịp thời; uốn nắn những thiếu sót để đưa phong trào hoạt động đúng hướng, từ đó bảo đảm phong trào thực sự đi vào đời sống của nhân dân; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và tìm chọn những gương tốt, mô hình điển hình tiên tiến để phổ biến nhân rộng thúc đẩy phong trào phát triển rộng khắp.

Trong thời gian tới, để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển đi vào chiều sâu và bền vững, cần thực hiện những nội dung sau:

Lực lượng Công an nhân dân các cấp tiếp tục tích cực tham mưu xây dựng các thông tư liên tịch, tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp hành động giữa lực lượng Công an nhân dân với các ngành, đoàn thể trong công tác vận động nhân dân tham gia phòng ngừa phát hiện tố giác tội phạm tại gia đình và cộng đồng dân cư. Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban Mặt trật Tổ quốc, các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào khác; xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm.

Đẩy mạnh đa dạng nội dung hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp từng đối tượng cụ thể, kết hợp tuyên truyền theo chiều rộng, chiều sâu và cá biệt; chú trọng tuyên truyền theo chiều sâu theo từng đối tượng, từng hộ gia đình, nhằm tác động mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật; nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm trên từng địa bàn.

Nghiên cứu lựa chọn xây dựng mô hình theo hướng mô hình tiêu biểu từng cấp, trong đó có mô hình là điển hình tiên tiến toàn diện, điển hình một số mặt, điển hình một mặt, một lĩnh vực, mỗi loại mô hình phải có hồ sơ theo dõi, xác định xuất xứ, quy mô tổ chức, cơ chế, lề lối hoạt động để mô hình đem lại hiệu quả thiết thực; chú ý phát hiện lựa chọn gương người tốt việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả để rút kinh nghiệm bồi dưỡng thành những mô hình, điển hình phổ biến nhân rộng. Đồng thời, rà soát, đánh giá từng mô hình phòng, chống tội phạm, phát huy, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nghiên cứu phối hợp các mô hình để tạo sức mạnh, khép kín địa bàn, phòng chống tội phạm có hiệu quả.

Đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; vùng đồng bào các tôn giáo; địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Kiểm tra chỉ đạo xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; kết hợp chủ trương xây dựng Công an cấp cơ sở và chuyển hóa địa bàn nông thôn.

Quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở địa bàn cơ sở (lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Dân quân tự vệ) và các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự khác để làm hạt nhân thúc đẩy phong trào. Tập trung giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân không để phát sinh tội phạm hoặc trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, góp phần kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

-------------

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ trưởng Công an (2012), Thông tư số 67/2012/TT-BCA Quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, năm 2012.

2. Công an tỉnh Long An, Báo cáo tổng kết tình hình công tác năm 2022 của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

[1] Báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Long An năm 2022

[2] Báo cáo tổng kết năm 2022 của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Long An