Phóng viên Báo Nhân Dân có trao đổi với ông Lê Hữu Trí, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa về những nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Phóng viên: Mong ông cho biết sự cần thiết cũng như quan điểm về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050?
Ông Lê Hữu Trí: Có thể thấy, giai đoạn 2011 - 2020, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thật sự trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai, được triển khai đồng bộ ở các cấp… là căn cứ quan trọng để Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới đáp ứng các mục tiêu bảo đảm quỹ đất cho thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu đến năm 2050, tài nguyên đất phải được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh.
Phóng viên: Theo đại biểu, những vấn đề nào trong nội dung báo cáo được đại biểu quan tâm nhiều nhất?
Ông Lê Hữu Trí: Vấn đề được quan tâm là chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần nâng lên về dự báo nhu cầu sử dụng đất, tầm nhìn chiến lược, phân bổ hợp lý và bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác, gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, nguồn lực về đất đai, tối đa hóa giá trị từ đất đai và không gian, môi trường theo cách tiếp cận chuỗi giá trị, hệ sinh thái của xã hội, văn hóa và môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế bao trùm, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và dự báo sự gia tăng dân số…
Vấn đề hành lang pháp lý liên quan lĩnh vực đất đai cần đồng bộ cả về quyền sở hữu, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vấn đề chính sách tài chính về đất đai cần minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận quy hoạch đất đai.
Phóng viên: Qua thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có đề xuất, kiến nghị gì về cơ chế, chính sách trên lĩnh vực này?
Ông Lê Hữu Trí: Quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025 ) được xây dựng bằng các phương pháp mới, hiện đại và áp dụng phương pháp vừa động, vừa tĩnh và cập nhật các dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, qua thảo luận, các đại biểu kiến nghị cần rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng liên kết vùng.
Đồng thời, dành quỹ đất hợp lý trong dài hạn và chiến lược để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị hiện đại, thông minh; quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên chọn các vùng đất sản xuất nông nghiệp đạt giá trị thấp. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Mặt khác, cần sớm rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai theo hướng tôn trọng nguyên tắc thị trường về quyền sở hữu, quyền sử dụng và về giá đất, bảo đảm tính ổn định của thị trường bất động sản, các giao dịch dân sự về đất; giảm khiếu kiện trong bồi thường, giải tỏa khi thu hồi đất; tháo gỡ các rào cản làm chậm quá trình giải quyết các thủ tục về đất đai dẫn đến nhiều sai phạm như trong thời gian vừa qua.
Phóng viên: Ông có thể phân tích sâu hơn những vấn liên quan việc quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, trong đó có đất sử dụng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch?
Ông Lê Hữu Trí: Theo báo cáo, vùng duyên hải miền trung được quy hoạch tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng.
Định hướng quy hoạch tăng cường liên kết vùng, tiếp tục phát triển hệ thống giao thông, đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế…; ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông theo các trục dọc của vùng như cao tốc bắc - nam phía đông, đường sắt tốc độ cao bắc - nam, các tuyến đường ngang nối khu vực duyên hải với Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, hình thành và phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế bắc - nam và các trục hành lang kinh tế đông - tây gắn với các cảng biển và dịch vụ cảng biển, các khu liên hợp công nghiệp…
Đối với tỉnh Khánh Hòa, quy hoạch sử dụng đất cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch vùng theo quy hoạch sử dụng đất của quốc gia; đồng thời, phân bổ đất đai đồng bộ với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác trong chiến lược phát triển kinhh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm phân bổ nguồn lực đất đai trong dài hạn để mở rộng, phát triển không gian đô thị về phía tây thành phố Nha Trang và phía nam, phía bắc của tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!