Cộng đồng quốc tế hối thúc giảm xung đột ở Sudan

Nguồn tin cơ quan y tế Sudan sáng 16/4 cho biết, ít nhất 56 dân thường đã thiệt mạng và hơn 590 người bị thương trong các cuộc giao tranh trên cả nước hơn một ngày qua giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Ngoài ra, trong các lực lượng an ninh cũng có hàng chục người thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Giao tranh dữ dội giữa hai lực lượng ở Sudan.
Giao tranh dữ dội giữa hai lực lượng ở Sudan.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố kêu gọi các bên giao tranh ở Sudan ngay lập tức ngừng bắn và trở lại đàm phán. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phát viện trợ nhân đạo đến khu vực này và tái khẳng định cam kết đối với sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án tình trạng giao tranh ở Sudan. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric ra tuyên bố nêu rõ: "Tổng thư ký Guterres yêu cầu các lãnh đạo của RSF và Các Lực lượng vũ trang Sudan ngay lập tức chấm dứt những hành động thù địch, khôi phục trật tự và khởi động đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay".

Trong thông cáo gửi báo giới, người phát ngôn Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Guterres đã thảo luận với Tổng thống Ai Cập và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) về biện pháp giảm leo thang tình hình tại Sudan. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng đã điện đàm với chỉ huy RSF. Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký Guterres sẽ tiếp tục các nỗ lực, trong đó có việc trao đổi với Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Sudan sớm nhất có thể.

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng lên tiếng kêu gọi các bên giao tranh ở Sudan ngừng bắn và tìm một giải pháp đồng thuận cho cuộc khủng hoảng. Ông Mahamat nhấn mạnh, tình hình hiện nay sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát khi các bên dùng bạo lực vũ trang như công cụ để giải quyết các bất đồng chính trị.

Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD), một tổ chức gồm tám quốc gia Ðông Phi, trong đó có Sudan, ngày 15/4 lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Một loạt quốc gia Arab gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã kêu gọi tất cả các bên ở Sudan kiềm chế tối đa và tránh leo thang xung đột, trong khi Liên đoàn Arab (AL) lên án hành động sử dụng vũ lực ở quốc gia này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tại Sudan, đồng thời kêu gọi các nước có ảnh hưởng phối hợp để chấm dứt tình trạng này. Ông đã tham vấn những người đồng cấp Saudi Arabia và UAE về các diễn biến mới nhất tại Sudan. Các bên đã nhất trí rằng, điều quan trọng hiện nay là các bên giao tranh cần ngay lập tức chấm dứt thù địch vô điều kiện.

Ðại sứ quán Nga ở Sudan bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang bạo lực tại nước này, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn và tiến hành đàm phán. Ðại sứ Mỹ tại Sudan cũng cho rằng, căng thẳng leo thang giữa các lực lượng vũ trang tại Sudan nếu trở thành xung đột trực diện sẽ rất nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo đất nước nhanh chóng tìm cách chấm dứt giao tranh.

Lực lượng bán quân sự chính tại Sudan cho biết đã giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có phủ tổng thống, sau khi xảy ra giao tranh với lực lượng quân đội nước này ngày 15/4. RSF cho biết đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn phủ tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay Khartoum và Merowe ở miền bắc Sudan.

Các đảng phái chính trị ở Sudan đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực có hành động khẩn cấp để ngăn các cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF. Những căng thẳng hiện tại bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập hai lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.