ASEAN cần tăng cường hợp tác chính trị - an ninh trong bối cảnh dịch Covid-19

NDO -

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan, chiều 2/8 đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN lần thứ 23. 

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh do báo Thế giới và Việt Nam cung cấp)
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh do báo Thế giới và Việt Nam cung cấp)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Trọng tâm của Hội nghị lần này là rà soát hoạt động của các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột chính trị - an ninh và tiến độ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN 2025. 

Theo báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, dù phải đối mặt nhiều thách thức, hợp tác chính trị - an ninh ASEAN tiếp tục đạt kết quả khả quan, nhất là trong triển khai các khuyến nghị của Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN.

Đến nay, 280/290 dòng hành động (tương đương 97%) đã được đưa vào triển khai; hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi, hợp tác quốc phòng, quản lý biên giới, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… đạt nhiều kết quả quan trọng; quan hệ giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục được làm sâu sắc hơn thông qua triển khai các Kế hoạch hành động, nhất là hợp tác ứng phó Covid-19 và phục hồi sau dịch bệnh.

Trước các diễn biến phức tạp ở khu vực như ở Biển Đông, Myanmar, Hội nghị nhấn mạnh ASEAN cần củng cố đoàn kết, tin cậy, hiểu biết và vai trò trung tâm, duy trì đối thoại và hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp có trách nhiệm cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, hơn bao giờ hết ASEAN cần tăng cường hợp tác chính trị - an ninh để bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định. Đây là điều kiện tiên quyết để ứng phó hiệu quả dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và duy trì tăng trưởng ở khu vực. 

Trước thực trạng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng ASEAN cần cách tiếp cận toàn diện trong quan hệ với các đối tác hiện nay cũng như hợp tác với các đối tác tiềm năng mới.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị kiểm điểm kỹ lưỡng quy trình và thủ tục hoạt động của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm tiếp tục giữ vững mục tiêu, giá trị và vai trò của các cơ chế này cũng như thúc đẩy sự tham gia và đối thoại xây dựng của các đối tác.

Nhấn mạnh tính chất đa diện và cấp bách của các thách thức hiện nay như an ninh hàng hải, đại dịch Covid-19 hay hỗ trợ nhân đạo, Bộ trưởng đề nghị cần có cách tiếp cận sáng tạo trong phối hợp liên ngành và liên trụ cột; cập nhật các vấn đề đang nổi lên hiện nay vào Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị - an ninh 2025 để bảo đảm tính tương thích và chủ động thích ứng của ASEAN.

Bộ trưởng cũng đề xuất ASEAN dành thêm sự quan tâm tới Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh nhằm thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, đồng thời ủng hộ việc xây dựng một Kế hoạch hành động của khu vực về vấn đề này.

Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chứng kiến trực tuyến Lễ trao giải thưởng ASEAN năm 2020 cho Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ASC), thuộc Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak, có trụ sở tại Singapore.

Giải thưởng ASEAN được trao thường niên từ năm 2018 nhằm vinh danh các cá nhân/tổ chức của khu vực có những đóng góp quan trọng đối với nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trung tâm ASC được thành lập vào năm 2008 với nhiệm vụ thúc đẩy các nghiên cứu chính sách và nâng cao hiểu biết về ASEAN từ góc độ khu vực nhằm hỗ trợ tiến trình hội nhập ASEAN và xây dựng Cộng đồng.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54