Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp, làm việc với đoàn.
Các đồng chí trong đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. |
Thay mặt đoàn kiểm tra, đồng chí Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về kiểm tra công tác cán bộ đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước và một số đảng bộ trực thuộc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, công tác cán bộ là then chốt, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt. Do đó, việc triển khai quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị tại Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước để giúp địa phương nhìn lại những điểm đã làm được và chưa làm được.
Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, đồng thời, phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ. Mặt khác, qua công tác kiểm tra để giúp Trung ương nhận thấy những cách làm hay trong công tác cán bộ để nhận rộng và nhìn thấy những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.
Đồng chí Phan Đình Trạc cũng đánh giá cao những kết quả về công tác cán bộ mà Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đạt được trong thời gian vừa qua. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong Ban thường vụ Tỉnh ủy đạt tỷ lệ cao.
Đây là một trong những điểm sáng trong công tác cán bộ, do đó, các đồng chí trong đoàn kiểm tra cần phối hợp với tỉnh phân tích sâu để làm rõ những kinh nghiệm trong quá trình làm công tác cán bộ của địa phương để nhân rộng.
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, đặc biệt là luân chuyển ngang, luân chuyển từ dưới lên, trên xuống kể cả từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TƯ ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương. Qua đó tạo điều kiện để cán bộ tiếp xúc với nhiều môi trường làm việc để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm.
Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu, các đồng chí trong đoàn kiểm tra cũng cần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và cần đi sâu vào phân tích, đánh giá nguyên nhân; đồng thời, hướng dẫn, làm rõ để gỡ vướng cho địa phương.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra và tỉnh cần đi sâu phân tích, mổ xẻ những quy định của Trung ương về công tác cán bộ, như: tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số theo mục tiêu từng giai đoạn; cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; kiểm định chất lượng đầu vào trong công tác cán bộ…
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bình Phước, đồng chí Phan Đình Trạc đã có buổi làm việc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao công tác nội chính ở Bình Phước trong thời gian qua, qua đó, đã góp phần quan trọng trong ổn định chính trị, an ninh, trật tự tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Bình Phước đã quan tâm đến công tác tác phòng, chống tham nhũng và đưa ra xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng.
Một số vấn đề đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Bình Phước cần lưu ý, bảo đảm an ninh biên giới (trong đó cần chú ý các loại tội phạm vượt biên, xâm nhập biên giới, buôn lậu, mua bán người); đẩy mạnh quan hệ với nước bạn để giữ biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Bên cạnh đó, Bình Phước cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thật tốt các chỉ thị của Trung ương về công tác nội chính. Cần xử lý có tình, có lý, phù hợp với hoàn cảnh thực tế các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại đông người kéo dài; cần quan tâm đến an ninh trong công nhân, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ phận người lao động không có việc làm để không cho kẻ xấu móc ngoặc, lôi kéo, xúi giục.
Bình Phước cũng cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng phối hợp các cơ quan trong khối nội chính để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, góp phần ổn định an ninh, chính trị ở địa phương; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng; trong đó, đẩy mạnh giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra từ bên ngoài; thực hiện nghiêm phối hợp giữa các cơ quan trong tố tụng.