Dự thảo thỏa thuận gồm 3 nội dung đáng chú ý: các cam kết mới về khí hậu, tăng nguồn tài chính hỗ trợ hành động vì khí hậu và nhiên liệu hóa thạch. Đây không phải là bản tuyên bố chính thức và các đại biểu tham dự COP26 sẽ đàm phán các chi tiết của dự thảo này trong những ngày cuối cùng của hội nghị.
Dự thảo “thừa nhận rằng tác động của biến đổi khí hậu sẽ giảm đáng kể khi nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C thay vì 2 độ C và thể hiện quyết tâm theo đuổi các nỗ lực nhằm khống chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C, khẳng định điều này đòi hỏi hành động có ý nghĩa và hiệu quả của tất cả các bên trong thập kỷ quan trọng này dựa trên cơ sở những hiểu biết khoa học tốt nhất hiện có”. Dự thảo kêu gọi các quốc gia nâng cấp kế hoạch giảm phát thải vào cuối năm 2022.
Bản dự thảo “cũng nhìn nhận rằng việc hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2100 đòi hỏi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phải giảm nhanh, giảm sâu và giảm liên tục, trong đó lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu cần giảm 45% vào năm 2030, tương đương với mức của năm 2010, và đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này”.
Các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu liên tục thúc đẩy việc đánh giá cam kết của các nước theo từng năm, nhanh hơn so với chu kỳ 5 năm 1 một lần của Liên hợp quốc hiện nay. Theo dự thảo này, bắt đầu từ năm 2022, bộ trưởng của các chính phủ sẽ họp hằng năm để kiểm tra các nỗ lực nhằm tăng cường những mục tiêu đặt ra trước năm 2030.
Liên quan tài chính dành cho hành động vì khí hậu, dự thảo hối thúc các nước phát triển "khẩn trương tăng quy mô" viện trợ để giúp các quốc gia khác thích ứng với sự nóng lên toàn cầu. Dù không nêu cụ thể thời gian song dự thảo cho rằng các quốc gia nên tăng gấp đôi khoản hỗ trợ giúp các nước nghèo thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Tài liệu này cũng đặt ra mục tiêu "đẩy nhanh việc loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch". Nếu dự thảo được chính thức công nhận, đây sẽ là lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được "gọi tên" trong kết luận của một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma bày tỏ mong đợi "văn bản gần như cuối cùng" sẽ sớm được công bố. Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá tất cả các nước đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong những ngày qua, song "vẫn còn một chặng đường dài phía trước".