Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam nhằm giúp giải quyết những điểm vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể trong việc phòng chống vấn đề này.
Nội dung này được các cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng và cam kết. Bộ quy tắc khuyến khích áp dụng rộng rãi tại mọi doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện.
Quá trình xây dựng Bộ quy tắc được Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam hỗ trợ và có tham khảo các bộ quy tắc thực hành phòng chống quấy rối tình dục sẵn có trên thế giới.
Điều 8 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế.
“Trong bối cảnh đó, bộ quy tắc nhằm mục đích giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, giúp phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chuất lượng cao,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để phòng ngừa hành vi này, và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi này diễn ra.
Giám đốc ILO tại Việt Nam, TS Gyorgy Sziraczki, đánh giá việc công bố Bộ quy tắc là “một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc”. Ông nhấn mạnh, ILO sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên con đường hoàn thiện những lỗ hổng pháp luật trong việc giải quyết vấn đề nhạy cảm tại nơi làm việc này vì lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp.
Theo một nghiên cứu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi lo bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc.