Cờ tướng vỉa hè, thú vui của người Hà Nội

NDO - Hà Nội có nhiều câu lạc bộ cờ tướng, nhiều kỳ thủ trứ danh, từng thi đấu với các danh thủ lừng lẫy hàng đầu thế giới. Ðóng góp vào những thành công ấy, có một phần nhỏ bé từ những ván cờ vỉa hè, một thú chơi bền bỉ ở đất Thăng Long - Hà Nội...

Chẳng ai có thể trả lời câu hỏi: Người Hà Nội bắt đầu chơi cờ tướng từ khi nào? Nhưng chắc hẳn chơi cờ là thú vui đã có từ lâu của người Hà Nội. Chẳng vậy mà Hà Nội là nơi hiếm hoi trong cả nước, có đền thờ Ðế Thích - một vị vua trong quan niệm Phật giáo, đồng thời cũng là bậc Thánh cờ, có lễ hội Chùa Vua, nơi diễn ra giải cờ tướng nổi tiếng nhất cả nước.

Nếu như các thú chơi, thường có những lúc thăng, lúc trầm, thì cờ tướng dường như là một ngoại lệ. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những giải vô địch cờ tướng vẫn được tổ chức. Cờ tướng tồn tại bền bỉ, vì môn thể thao trí tuệ này không đòi hỏi sân, bãi cầu kỳ. Chỉ cần 32 quân cờ với một bàn gỗ, hoặc một tờ giấy, thậm chí một vài ô gạch là chơi được. Thời bao cấp, hàng hóa khó khăn, có khi người ta tự làm lấy quân cờ bằng những mẩu gỗ thừa. Cờ tướng dễ làm người chơi đam mê, vì với 32 quân, nhưng lại biến hóa thành hàng vạn nước đi. Ngoài những câu lạc bộ chính thức tại các trung tâm thể dục - thể thao các quận, huyện..., Hà Nội có vô số "kỳ đài" tự phát, tại các hè phố, vườn hoa. Người mê cờ khu vực phố cổ thường hay chơi cờ bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ðoạn đường ven hồ Trúc Bạch được coi là địa điểm lý tưởng đối với các kỳ thủ. Cứ từ năm giờ chiều, khu vực này có đến hơn chục bàn cờ. Người chơi, người xem đủ mọi lứa tuổi, đông như hội. Trong Công viên Thống Nhất cũng thu hút nhiều người chơi cờ từ khu vực các quận Hoàng Mai, Ðống Ða. Khu vực vườn hoa Con Cóc, ngay gần Nhà khách Chính phủ cũng là một "kỳ đài" có tiếng. Cờ vỉa hè không có luật chặt chẽ như khi thi đấu. Ðôi khi, không thiếu những nước "cờ tai" (do người bên ngoài nhắc). Cờ có thấp, có cao, nhưng rất cuốn hút người xem. Ở điểm dừng xe buýt gần Bưu điện Hà Nội, hơn một lần người ta thấy có một ông già ngẩn ngơ như không biết đi đâu, về đâu. Ðó là ông Nguyễn Ðức Mạnh, nhà ở tận Hà Ðông, nhưng ông hay bắt xe buýt lên Bờ Hồ xem cờ. Nhiều lần mải mê xem cờ, lúc ngẩng đầu lên thì hết giờ xe buýt chạy...

Thuộc vào hàng nổi tiếng nhất hiện nay là "kỳ đài" Hoàng Cầu, nằm ở bán đảo Hoàng Cầu. Tuy chỉ là cờ vỉa hè, nhưng nơi đây tập trung nhiều cao thủ làng cờ, trong đó có Vũ Huy Cường, một kỳ thủ có tiếng của làng cờ Hà Nội làm "chủ soái". Ðiều thú vị là "sự nghiệp" của Vũ Huy Cường bắt đầu chính bằng những... ván cờ vỉa hè. Hồi còn sinh viên, trong một lần ra khu vực triển lãm Vân Hồ chơi, tình cờ Cường gặp một người trung niên đang đánh cờ với một bác cao tuổi, Cường sà vào theo dõi. Với chút vốn liếng cờ, Cường "mạnh dạn" xin được so tài với kỳ thủ trung niên. Kết quả, Cường thua 16 ván liên tục. Trận thua nhớ đời đó khiến Cường quyết học chơi cờ một cách bài bản. Những năm 90 của thế kỷ trước, Vũ Huy Cường đã vươn lên tuyến đầu của đội tuyển cờ tướng Hà Nội. Sau này, kỳ thủ Vũ Huy Cường nhiều lần đại diện cho Hà Nội tham dự giải Cờ tướng hạng A1 toàn quốc, đoạt nhiều thứ hạng cao. "Sáng lập" ra Câu lạc bộ Hoàng Cầu, anh thường tổ chức nhiều giải đấu, quy tụ những kỳ thủ hàng đầu của Hà Nội. Ngoài ra, anh còn dìu dắt được nhiều lứa đàn em chơi cờ, có những người giành thứ hạng cao trong các giải đấu quốc gia.

Nói đến chơi cờ, người mê cờ ở Hà thành không mấy ai không biết đến "Kỳ vương đất bắc" Nguyễn Tấn Thọ. Ông tên thật là Nguyễn Văn Pho, nhưng do có lối đánh tấn công, cộng với đôi tai dài (trông giống như ông Thọ trong Tam Ða), cho nên ông được gọi là Nguyễn Tấn Thọ. Năm 18 tuổi, ông đã đoạt chức vô địch cờ tướng Hà Nội. Nguyễn Tấn Thọ từng tỉ thí với hầu hết cao thủ cờ trong nước và hiếm khi ông thua cuộc. Danh hiệu "Kỳ vương đất bắc" được giới kỳ thủ phong tặng bởi ông có một mạch nhiều năm liền vô địch cờ tướng toàn miền bắc. Ông Thọ từng chơi cờ với kỳ thủ số một Trung Hoa Hồ Vinh Hoa. Ông Thọ kể, hồi còn trẻ, ngoài sự chỉ bảo của người thầy - đại kỳ thủ Nguyễn Ðình Ngọc, chính ông từng lang thang qua nhiều bàn cờ vỉa hè để tích lũy. Không ít lối đánh, thế cờ hay đã được ông tìm ra từ những ván "cờ vỉa".

Một người nổi tiếng với phong cách "cờ vỉa" trong làng cờ Hà Nội là Ðại sư Nguyễn Vũ Quân. Nguyễn Vũ Quân chơi cờ từ lúc 4 tuổi, từ chính những ván cờ vỉa hè của cha mình. Anh vừa được học bài bản, vừa là người chịu khó thu nhặt những nước "cờ vỉa", nên đã tạo ra được một phong cách chơi đặc biệt. Nguyễn Vũ Quân là người Việt Nam đầu tiên đứng hạng ba Giải vô địch thế giới cờ tướng năm 2005, anh cũng từng ba lần vô địch cờ tướng toàn quốc.

Chơi cờ vừa để thư giãn, vừa rèn tính người. Ngày nay, tại các bàn cờ vỉa hè thu hút khá đông người chơi, người xem trong lứa tuổi thanh niên. Tiếc rằng, so với nhiều môn thể thao khác, môn thể thao đầy trí tuệ này chưa được quan tâm đúng mức. Chủ yếu vẫn là tự phát, mặc dù ai cũng biết rằng, chơi cờ không những giúp người ta tu tâm dưỡng tính, mà còn góp phần giúp giới trẻ xa rời những tệ nạn, những thú chơi không lành mạnh. Bên cạnh đó, thi thoảng ở các khu vực có nhiều người chơi cờ vỉa hè, cũng có không ít đối tượng cờ bạc, lợi dụng những ván cờ vỉa hè để kiếm tiền, gây ảnh hưởng đến thú vui tao nhã này.