Ngày 10/11, các bên tổ chức hội thảo trực tuyến trình bày báo cáo này. Báo cáo khẳng định những khó khăn mà Việt Nam, thường được coi là một trong những nước dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, sẽ gặp phải về những tác động tiềm tàng và những nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, báo cáo nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long với những mối liên hệ phức tạp giữa tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố có nguyên nhân từ hoạt động của con người ở cấp độ địa phương tạo ra những thay đổi về môi trường (thí dụ như xâm nhập mặn và sụt lún nền đất vùng đồng bằng).
Báo cáo cũng định lượng những tác động tiềm ẩn theo từng ngành (nông nghiệp, năng lượng, y tế…) và đánh giá những hệ quả kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu đối với kinh tế Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh những đòn bẩy thích ứng thiết yếu để điều chỉnh các chiến lược phát triển địa phương cho phù hợp cũng như những cơ hội nảy sinh từ các hoạt động thích ứng ở cấp địa phương.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu của một đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp và quốc tế do ông Etienne Espagne, chuyên gia kinh tế của AFD, đóng vai trò điều phối, báo cáo này là một cơ sở khoa học vững vàng để đưa sự thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược phát triển. Bằng cách truyền tải những kết quả nghiên cứu khoa học trực tiếp tới các cấp hoạch định chính sách, nghiên cứu này cũng là nội dung cho những đối thoại khoa học thích hợp phục vụ chính sách về cách thức tối ưu để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng về sự công bố báo cáo này tiếp theo những cam kết của Việt Nam tại COP26. Báo cáo sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong việc xác định các giải pháp phù hợp để ứng phó với những tác động khác nhau của biến đổi khí hậu. Pháp luôn tích cực hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam để phát huy những chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu".
Ông Alexi Drogoul, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) Việt Nam cho biết: "Báo cáo này không chỉ nêu ra những yếu tố sẽ có tầm quan trọng hàng đầu với Việt Nam để phát triển một chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn cung cấp những bằng chứng cho thấy rằng sự hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu đa ngành và cách tân là thiết yếu để có thể hiểu rõ và dự báo những tác động này".
Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học Pháp và Việt Nam trong những năm gần đây để thực hiện báo cáo đặc biệt này. Báo cáo là thành quả chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu (GEMMES Việt Nam), và bao gồm những thông tin phân tích phong phú. Báo cáo sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc phát triển chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch và chiến lược thích ứng của Việt Nam".
Báo cáo dựa trên những kết quả giữa kỳ của dự án nghiên cứu GEMMES Việt Nam do AFD tài trợ thông qua Qũy 2050, và với sự hợp tác cùng IRD và Cục Biến đổi Khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thông qua việc công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới, dự án này đóng góp cho những đối thoại về chính sách công với Chính phủ Việt Nam vốn coi thích ứng là một trọng tâm trong chiến lược của Chính phủ.