Cơ hội vực dậy và phát triển ngành đóng tàu

Sau đại dịch Covid-19, chu kỳ hồi phục, tăng trưởng của ngành đóng tàu xuất hiện trở lại khá rõ nét, hầu hết nhà máy đóng tàu có trong tay số đơn hàng thi công đến hết năm 2024, thậm chí sang tới nửa đầu năm 2025. Nếu chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực để bắt kịp chu kỳ này, ngành đóng tàu Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vực dậy và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Liên doanh Damen Sông Cấm thi công hoàn thiện sản phẩm tàu kéo-đẩy công suất lớn chạy bằng điện.
Công nhân Công ty Liên doanh Damen Sông Cấm thi công hoàn thiện sản phẩm tàu kéo-đẩy công suất lớn chạy bằng điện.

Bài 1: Những đơn hàng “nối dài”

Thực tế hiện nay, nhiều chủ tàu đến đề nghị thương thảo, ký hợp đồng đóng tàu mới với các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã bị từ chối do nhà máy nào cũng “tới hạn” về đơn hàng, không đủ khả năng đảm đương thêm. Sau hàng chục năm không được đầu tư đúng mức, hầu hết thiết bị, công nghệ của các nhà máy đều đã xuống cấp. Ðiều đáng lo ngại hơn, lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề ngày một hao hụt, trong khi trường đào tạo chuyên ngành hàng hải-đóng tàu rất ít thí sinh lựa chọn theo học.

Các đơn vị đóng tàu đang bị bó buộc với những điều kiện ngặt nghèo do lịch sử để lại, rất khó thoát ra nếu Nhà nước không có cơ chế xử lý, hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Nhiều việc nhưng cũng nhiều nỗi lo

Ði thực tế các nhà máy đóng tàu thuộc SBIC ở khu vực phía bắc, cảnh tượng vắng vẻ, hoang tàn thường thấy của mấy năm về trước đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là tiếng máy hàn, máy cắt CNC trộn lẫn thanh âm đinh tai nhức óc của sắt thép, tạo nên một khung cảnh công nghiệp hết sức rộn rã. Tại các phân xưởng của Công ty Ðóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh), từng tốp công nhân nai nịt bảo hộ “đến tận răng” nhằm tránh khói bụi và nắng nóng vẫn cần mẫn, chăm chú làm việc, cho dù chỉ chưa đầy 10 phút nữa là họ được nghỉ trưa.

Quy trình đóng tàu được bắt đầu bằng lễ cắt tôn, những tấm thép cán nóng đặc chủng, khổ rộng khoảng hơn 3 m, dài chừng 12 m, chuyên dụng cho đóng tàu được đưa lên khuôn máy cắt CNC, cắt ra thành từng chi tiết có hình thù, kích cỡ khác nhau. Các chi tiết này được hàn ghép nối lại trở thành tổng đoạn, đưa ra đấu đà, định hình lên con tàu.

Trong số 18 sản phẩm thi công đóng mới của Hạ Long đang triển khai, 2 tàu chở hàng trọng tải 24.500 tấn đóng mới cho chủ tàu trong nước là một trong những sản phẩm chủ lực. Chiếc số 1 vừa được công ty hạ thủy ngày 22/9 vừa qua, hiện đang hoàn thiện những hạng mục cuối để bàn giao cho chủ tàu. Cùng với đó, chiếc số 2 cũng đang được đấu đà, dự kiến sẽ hạ thủy vào tháng 11 tới.

Ðánh giá về hoạt động của nhà máy trong vài năm gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Ðóng tàu Hạ Long cho biết: “Chúng tôi làm không hết việc”. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty ký hợp đồng thi công 18 sản phẩm, hiện đã bàn giao 5 sản phẩm, nửa cuối năm tiếp tục thi công 14 sản phẩm, dự kiến bàn giao 9 sản phẩm. Trong số các sản phẩm Hạ Long đang thi công, có nhiều sản phẩm mới, công nghệ thi công phức tạp, cầu kỳ như du thuyền viễn dương, tàu ngủ đêm trên vịnh, tàu khách, dịch vụ điện gió,…

“Việc ký hợp đồng với Tập đoàn Damen (Hà Lan) đóng mới series 6 tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720, triển khai 3 tàu trong năm nay và 1 chiếc CSOV9020 triển khai vào đầu năm 2024, thì việc tính toán lại tiến độ để bố trí sản phẩm nằm đà hợp lý, phù hợp với công suất, năng lực của công ty, đáp ứng yêu cầu của chủ tàu là một bài toán hết sức khó khăn và áp lực với thực trạng sản xuất cũng như số sản phẩm đã có hiệu lực của công ty trong điều kiện hiện nay. Càng nhận nhiều việc, càng lắm lo toan!”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Ở thành phố Hải Phòng, Công ty cổ phần Ðóng tàu Sông Cấm là đơn vị duy nhất của Tập đoàn Vinashin (trước đây) vẫn trụ vững, không bị cuốn vào phong trào đầu tư vô tội vạ, dẫn đến cảnh nợ nần như các công ty khác, nhờ hợp tác liên doanh với Tập đoàn Damen từ lâu. Hơn 20 năm hợp tác với đối tác Damen, duy trì lượng công việc khá ổn định với các sản phẩm nổi bật như tàu kéo, tàu công trình, tàu phục vụ khai thác, vận chuyển dầu khí,... giúp công ty chưa khi nào phải ngừng tiếng máy trong công xưởng.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, mấy năm trước, do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường đóng tàu trên toàn thế giới giảm sút, cũng phần nào khiến công ty gặp khó khăn. Thời gian gần đây, các đơn hàng tăng lên rất nhanh, sản phẩm chủ lực của Sông Cấm là tàu kéo-đẩy công suất lớn, mỗi năm công ty đóng được khoảng 30 tàu.

“Nếu có đủ năng lực làm thêm, đối tác Damen vẫn sẵn sàng cung cấp, quan trọng là phải đáp ứng được các điều kiện rất ngặt nghèo về an toàn lao động, chất lượng và tiến độ của họ. Ðối tác cũng vẫn đề nghị công ty mở rộng sản xuất, phấn đấu đến năm 2028 ít nhất phải đạt năng lực đóng được 60 tàu/năm. Ðể đạt quy mô này, ngoài chuẩn bị đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, còn cần phải có nguồn nhân lực đủ đảm đương công việc”, ông Lê Văn Hải chia sẻ.

Nỗi lo nhân lực, vật lực

Tại Công ty Ðóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng), nữ công nhân Ngô Thu Thủy mới 21 tuổi (sinh năm 2002), tuy vóc dáng mảnh mai, nhỏ nhắn nhưng làm các việc nặng nhọc nhanh thoăn thoắt. Thủy cho biết quê ở Quảng Ninh, khi học xong phổ thông, do yêu thích nghề cơ khí đóng tàu nên đi học nghề hàn rồi xin vào Công ty Ðóng tàu Phà Rừng làm. Mặc dù biết nghề đóng tàu không còn là nghề thời thượng, nặng nhọc, vất vả và thu nhập khá thấp, song Thủy vẫn kiên trì theo đuổi.

“Ðược nhận vào làm việc, lúc mới đầu chưa quen, em được công ty đào tạo 2 tháng, sau đó sẽ chuyển chính thức, hiện nay em đang nhận mức lương thử việc hơn 8 triệu đồng/tháng. Nhiều người cho rằng làm ở nhà máy đóng tàu vất vả nhưng em không ngại do yêu thích nghề đóng tàu từ lâu rồi. Em chỉ mong nhà máy có việc ổn định, lâu dài”, Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, những người trẻ yêu nghề đóng tàu như Thu Thủy rất hiếm. Nghề đóng tàu với đặc thù nặng nhọc, độc hại và thu nhập không cao chưa đủ sức hấp dẫn học sinh, sinh viên mới ra trường. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Phân xưởng vỏ tàu 1 (Công ty Ðóng tàu Nam Triệu), thợ bậc 5/5 (bậc cao nhất), anh hiện nay đã 54 tuổi, làm việc ở Nam Triệu bước sang năm thứ 30. Theo chế độ của Nhà nước, đến 55 tuổi anh sẽ được nghỉ hưu vì đặc thù nghề nặng nhọc, độc hại. Tại tổ sản xuất của anh, lực lượng lao động trẻ không nhiều, tổ có 10 người, người trẻ nhất cũng ngót nghét 30 tuổi, còn lại đều trên dưới 40, tuyển thợ trẻ về rất khó, nhiều người về làm một thời gian lại xin đi.

Chị Hoàng Thị Thúy, công nhân vận hành máy cắt CNC thuộc Công ty Ðóng tàu Hạ Long cho hay, chị cũng có thâm niên hơn 20 năm làm việc ở Ðóng tàu Hạ Long, trước đây chị là công nhân hàn nhưng về sau công ty ưu tiên phụ nữ, cho chuyển sang vận hành máy cắt CNC, đỡ nặng nhọc hơn. Hai vợ chồng đều làm việc tại nhà máy, thu nhập cả hai khá ổn định ở mức 25-27 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các con anh chị không đứa nào theo nghề đóng tàu của bố mẹ, chúng chọn công việc khác ở các khu công nghiệp, không bị gò bó và dễ chịu hơn.

Trường đại học Hàng hải Việt Nam, “cái nôi” đào tạo ngành nghề đóng tàu trong khoảng chục năm nay đang gặp khó khăn khi tuyển sinh những ngành truyền thống, có thế mạnh, làm nên thương hiệu nhà trường trước đây. Mặc dù các công ty đóng tàu năm nào cũng về trường “đặt hàng”, trao học bổng khuyến khích sinh viên, nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hàng trăm kỹ sư, song vẫn có rất ít người theo học.

Theo đại diện Trường đại học Hàng hải Việt Nam, việc tuyển sinh ngành đóng tàu 1-2 năm trở lại đây có dễ hơn, nhưng số sinh viên ứng tuyển và điểm đầu vào vẫn chưa cải thiện bao nhiêu.

Ngành đóng tàu trong giai đoạn trước đây gặp nhiều khó khăn, cha mẹ và học sinh hướng ưu tiên học các ngành kinh tế, công nghệ, không thích các ngành kỹ thuật truyền thống. Thu nhập của kỹ sư ngành đóng tàu cũng chưa thật sự hấp dẫn và thiếu tính cạnh tranh so với các ngành khác. Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ người học đối với các ngành học trọng điểm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.

Trong khi nguồn nhân lực tại các nhà máy phần lớn chạm ngưỡng 50 và rất khó tuyển dụng lao động trẻ, thì công nghệ và thiết bị ở các phân xưởng qua thời gian hàng chục năm cũng trở nên cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp. Phần lớn hệ thống các thiết bị xe nâng, cẩu trục của Nhà máy Ðóng tàu Hạ Long đầu tư gần 20 năm nay đã xuống cấp, chỉ bảo dưỡng, sửa chữa tạm để khai thác; cần đầu tư khoảng 5.000 bộ giàn giáo (trị giá 4-5 tỷ đồng) phục vụ đóng tàu nhưng không có khả năng.

Còn tại Công ty Ðóng tàu Nam Triệu, cẩu trục 300 tấn nhập từ nước ngoài trước đây liên tục phát sinh hư hỏng, do không đủ tiền đầu tư mới và cũng không đủ khả năng thuê đơn vị ngoài về sửa chữa, mỗi lần hỏng anh em lại mày mò tự sửa, thuê kỹ sư Việt viết lại phần mềm để vận hành dễ dàng hơn.

Hệ thống máy cắt CNC cũng được công ty cải tiến thành cắt plasma, thay đầu cắt và viết lại phần mềm, giúp giảm chi phí vật tư, giảm nhân lực vận hành nhưng năng suất cắt lại tăng gấp 3 lần. Trong điều kiện nguồn nhân lực hạn hẹp, thiết bị cũ kỹ lạc hậu hiện nay, những cải tiến, sáng tạo giúp tối ưu hóa từng khâu sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động của các nhà máy là hết sức đáng quý.