Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Cùng với sự kết nối, trợ sức của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội nâng cấp trình độ, đầu tư trang thiết bị, công nghệ... để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty CNS Amura Precision liên tục đổi mới công nghệ khi thực hiện đơn hàng cho doanh nghiệp FDI.
Công ty CNS Amura Precision liên tục đổi mới công nghệ khi thực hiện đơn hàng cho doanh nghiệp FDI.

Tại Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức) chuyên sản xuất khuôn, máy lọc khí, sản phẩm hỗ trợ ngành điện tử..., thời gian này, các dây chuyền đều vận hành hết công suất để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác lớn. Tổng Giám đốc Công ty Trần Thanh Lãm cho biết: Dù gặp khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng doanh thu vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả khả quan mà CNS Amura Precision đạt được là nhờ công ty đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao. "Là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, chúng tôi chủ trương làm những sản phẩm khó, có giá trị cao. Muốn vậy, chúng tôi không ngừng cải tiến, cập nhật những công nghệ mới, thu hút nhân lực chất lượng cao, học hỏi kinh nghiệm từ những công ty đa quốc gia... để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo niềm tin cho khách hàng"-ông Lãm nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp tên tuổi ở thị trường trong nước, sản phẩm xuất khẩu sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử, mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. "Điện Quang đang xuất khẩu các sản phẩm như đèn led, bo mạch điện tử, ổ cắm, thiết bị y tế... ra thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế, do đó Điện Quang luôn triển khai và thúc đẩy kết nối với các tập đoàn công nghệ khác nhằm đem lại nhiều giá trị thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam" - đại diện Công ty Điện Quang nói. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Liên Vinh (Livico) Phạm Thị Hà Liên chia sẻ niềm vui khi được Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CSID) của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh kết nối, giới thiệu với doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) để cung cấp sản phẩm cho các đơn vị là TTi và LCT. Sau đó, công ty đã đầu tư ba tỷ đồng để lắp dây chuyền sản xuất đáp ứng đơn hàng cho đối tác ngoại, cải tiến lại toàn bộ nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 9001... "Hiện chúng tôi đang hoàn thành đơn hàng 45.000 linh kiện động cơ máy nổ cho LCT trong quý IV/2022. LCT cũng ký hợp đồng trong năm 2023 với 130.000 sản phẩm. Tập đoàn TTi đặt đơn hàng 30.000 sản phẩm/tháng nhưng nhân lực công ty chỉ mới đáp ứng được 5.000 sản phẩm/tháng. Chúng tôi vẫn không ngừng nâng cao năng suất để đáp ứng yêu cầu đơn hàng. Lúc đầu làm hàng cho đối tác nước ngoài, chúng tôi cũng có nhiều lo lắng, vì công ty đã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe máy, xe đạp... hơn 20 năm, nhưng chỉ mới cung ứng hàng cho thị trường nội địa. Song, qua những đơn hàng đầu tiên, khách rất hài lòng và ký hợp đồng dài hạn, giúp mình càng có thêm tự tin và động lực", bà Liên cho biết.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp trong nước đã và sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng nay đã được khắc phục và doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất nhằm bù đắp những đơn hàng bị gián đoạn trước đó. "Hiện nay, nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là doanh nghiệp phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao", ông Tống cho hay. Giám đốc CSID Hoàng Thọ Vượng cho rằng, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng xảy ra trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng; trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến được xem xét. "Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần liên tục cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới, mở rộng nhà xưởng tiến đến sản xuất hàng loạt, số lượng lớn đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin về nhu cầu của thị trường, tiếp cận các khách hàng mới qua nhiều kênh khác nhau; tập hợp, liên kết cùng nhau để đón nhận các đơn hàng lớn từ các khách hàng mới", ông Vượng nói. Để hỗ trợ doanh nghiệp, CSID đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng hiệu quả sản xuất thông qua các chương trình tư vấn cải tiến trực tiếp tại nhà máy; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; trong đó, nổi bật là chương trình Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ được tổ chức hằng năm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền mới sản xuất các sản phẩm có giá trị cao...