Có hay không việc cán bộ xã dẫn người đến hành hung người dân do mâu thuẫn đất đai?

NDO - Một vụ việc đánh người gây thương tích phải nhập viện cấp cứu xảy ra tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 20/3/2022, có liên quan cán bộ xã Ea M’droh và có người dân chứng kiến. Thế nhưng, đến nay đã hơn một năm trôi qua vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng huyện Cư M’gar làm rõ, xử lý các đối tượng đánh người, khiến người dân bức xúc. Liệu đằng sau vụ việc này có gì ẩn khuất?
0:00 / 0:00
0:00
Bà Phạm Thị Tình cho biết, hai mẹ con đang làm trên khu đất của mình thì bị cán bộ xã Ea M’Droh dẫn người đến hành hung khiến con trai bà là anh Trịnh Bình Nguyên bị thương tích phải nhập viện điều trị.
Bà Phạm Thị Tình cho biết, hai mẹ con đang làm trên khu đất của mình thì bị cán bộ xã Ea M’Droh dẫn người đến hành hung khiến con trai bà là anh Trịnh Bình Nguyên bị thương tích phải nhập viện điều trị.

Theo đơn kêu cứu của anh Trịnh Bình Nguyên (sinh năm 1998), trú tại Buôn Ea M’Droh, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, vào khoảng 9 giờ sáng 20/3/2022, anh và mẹ ruột là bà Phạm Thị Tình thuê máy múc đất tạo rãnh mương thoát nước trên đất rẫy của gia đình tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar.

Trong lúc hai mẹ con đang hướng dẫn chủ máy múc làm việc thì ông Nguyễn Duy Kháng, cán bộ địa chính xã Ea M’droh dẫn theo một số thanh niên khoảng 9-10 người tới yêu cầu mẹ con anh dừng việc múc đất lại.

Khi bà Tình chưa kịp trả lời thì ông Lương Văn Trọng (sinh năm 1992), trú tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh xông vào đánh bà Tình, thấy mẹ bị đánh đau nên anh Nguyên kéo mẹ ra phía sau thì ông Trọng xông vào đấm đá liên tục vào đầu, mặt anh Nguyên.

Lúc này, ông Hoàng Văn Luân (sinh năm 1993), cùng trú tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’Droh cũng xông vào đấm, đá liên tục vào đầu, mặt anh Nguyên.

Ông Trọng còn vác gạch đập vào vùng gáy anh Nguyên làm anh Nguyên choáng váng té đập đầu xuống đất. Hoảng sợ quá nên anh Nguyên chạy vào chòi cầm cây rựa phòng thân, sau đó chạy vào lô cà-phê để trốn. Ông Luân vẫn tiếp tục vác gạch, đá đuổi theo ném anh Nguyên; may có người dân can ngăn nên anh Nguyên đã thoát nạn.

Bà Tình cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra được vài phút thì bà Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và ông Hậu, Phó Bí thư xã Ea M’droh cùng Trưởng Công an xã Ea M’droh đi tới.

Trước mặt Công an xã, tôi chỉ vào mặt ông Trọng, ông Luân để Công an xã biết 2 người này đã đánh mẹ con tôi nhưng Trưởng Công an xã không nói gì và không lập biên bản vụ việc mà chỉ kéo nhau đi về. Tôi có gọi cho ông Ngô Điền Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea M’droh và ông Phương nói: Đất đấy là của thôn, mẹ con cô xuống đó làm bị đánh là đúng”, bà Tình nói.

Anh Nguyên sau khi bị đánh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, phải đưa đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh ở thành phố Buôn Ma Thuột để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị “Chấn thương đầu cổ, chấn thương gối phải, đa xây xát”. Bác sĩ đã nẹp cổ yêu cầu phải nằm ở viện để theo dõi xem có bị chấn thương sọ não không. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền để nằm lại viện dài ngày nên đã xin đưa anh Nguyên về nhà điều trị.

Sau khi sự việc xảy ra, bà Tình đã làm đơn gửi Công an xã Ea M’Droh, nhưng nghe người dân địa phương hù dọa ông Kháng rất mạnh cơ, nên bà Tình sợ đã rút đơn về nhưng anh Nguyên không chịu, tiếp tục làm đơn gửi Công an xã. Vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Cư M’gar để xác minh, điều tra, xử lý. Bà Tình và anh Nguyên cũng đã được Công an huyện Cư M’gar mời đến lấy lời khai và làm việc nhiều lần nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn không có kết quả giải quyết”.

Bà Tình cho biết, mẹ con bà sinh sống và canh tác tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar từ năm 1995, chưa bao giờ xích mích hay mẫu thuẫn với ai. “Nếu tôi có tranh chấp đất với ai thì có pháp luật giải quyết, chứ họ không có quyền đánh người. Việc cán bộ đưa người đến đánh dân là không thể chấp nhận được, họ quá coi thường pháp luật và coi thường tính mạng, sức khỏe người dân”, bà Tình bức xúc.

Anh Nguyên cho biết thêm, mới đây ngày 13/2/2023, Công an huyện Cư M’gar đưa anh đi vào Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh để giám định thương tật. Tuy nhiên, sau giám định anh Nguyên không được biết kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ nhận được thông báo kết luận giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar vào ngày 3/3/2023 với nội dung: “Đối chiếu với bảng tỷ lệ phần trăm cơ thể do thương tích, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Nguyên 00%. Áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra của anh Nguyên là 00%”.

Anh Nguyên cũng đã làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar và trực tiếp đến trụ sở xin biết kết quả giám định thương tật của mình nhưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư M’gar từ chối với lý do đó là tài liệu mật nên không cung cấp được.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của người dân, phóng viên Báo Nhân Dân đã đến địa phương xác minh nội dung đơn, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Kháng cán bộ địa chính xã Ea M’Droh nói: Ông không biết và cũng không nhìn thấy vụ đánh nhau nào. Còn ông Ngô Điền Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea M’droh cho hay: “Do con trai bà Tình cầm rựa đánh thanh niên trong làng nên bị họ đánh lại”.

Có hay không việc cán bộ xã dẫn người đến hành hung người dân do mâu thuẫn đất đai? ảnh 1
Ông Lý Văn Lèn, trú tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh, người chứng kiến vụ việc đánh nhau, trong đó có cán bộ xã Ea M'Droh.

Trong khi đó, ông Lý Văn Lèn, trú tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh có đất sát với đất bà Tình và cũng là người chứng kiến vụ việc đánh nhau xảy ra vào ngày 20/3/2022 cho biết: “Đất rẫy nhà tôi sát bên đất của bà Tình. Hôm ấy, thấy mẹ con bà Tình đưa máy ra múc đất, tôi sợ múc sang đất của mình nên ra xem, thì thấy ông Kháng cán bộ địa chính xã Ea M’droh đi trước, theo sau là một số thanh niên trong làng tới chỗ 2 mẹ con bà Tình, sau đó thì xảy ra đánh nhau. Trong nhóm thanh niên đánh mẹ con bà Tình có cả đứa cháu, con chị gái ruột của tôi”, ông Lèn khẳng định.

Một lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar cho biết: Lãnh đạo huyện Cư M’gar đã nhận được đơn của bà Phạm Thị Tình, huyện cũng đang chỉ đạo cho các đơn vị liên quan xác minh điều tra làm rõ. Quan điểm của huyện không bao che những việc làm sai trái, nếu có tình trạng cán bộ đưa người đến đánh dân chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người dân đặt điều, vu khống làm mất danh dự cán bộ thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Còn thiếu tá Võ Văn Thành, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự an toàn xã hội, Công an huyện Cư M’gar cho biết, chúng tôi đang điều tra xác minh làm rõ, đơn vị sẽ sớm có kết quả trả lời cho cơ quan báo chí trong thời gian tới.

Cũng theo thông tin từ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự an toàn xã hội, Công an huyện Cư M’gar, do bên bị hại không đồng ý với kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh nên cơ quan điều tra sẽ đưa người bị hại đến một đơn vị thuộc Bộ Y tế giám định cho khách quan. Tuy nhiên, đến nay việc giám định này vẫn chưa thực hiện được nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo chúng tôi, vụ việc đánh người gây thương tích xảy ra vào ngày 20/3/2022 tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có người chứng kiến và người bị hành hung là anh Trịnh Bình Nguyên phải vào bệnh viện điều trị, có bệnh án của bệnh viện.

Vụ việc này được cho là liên quan đến cán bộ xã Ea M’Droh. Hơn một năm nay, anh Nguyên, bà Tình phải bỏ công, bỏ việc đi kêu cứu rất nhiều nơi nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng huyện Cư M’gar giải quyết dứt điểm, khiến mẹ con bà bức xúc và việc gửi đơn thư đến nhiều cơ quan, đơn vị, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Đề nghị Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương điều tra xử lý dứt điểm vụ việc, đặc biệt là xác minh, điều tra có hay không việc cán bộ địa chính xã Ea M’Droh dẫn người đến đánh người dân phải nhập viện do tranh chấp về đất đai theo đơn tố cáo của người dân. Nếu có cần xử lý nghiêm minh, không để vụ việc kéo dài dẫn đến sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.