Chuyện thoát nghèo ở U Minh hạ…

Miệt rừng U Minh hạ (Cà Mau) mang nhiều điều lạ lẫm. Nơi đây, đất giúp người, người giúp đất "lớn lên"… Mọi thứ đang chuyển mình, không chỉ trên luống cày, thửa ruộng mà cả cách thức vượt qua nghèo khó của người dân mộc mạc, chân quê…

Vùng quê U Minh hạ ngày càng có thêm nhiều căn nhà khang trang.
Vùng quê U Minh hạ ngày càng có thêm nhiều căn nhà khang trang.

Trở lại U Minh lần này, chúng tôi được đi trên hương lộ láng nhựa phẳng phiu. Khuất sau những hàng cây tỏa bóng ven đường, vài tháng trước là những cánh rừng thâm canh đến lứa bán gỗ. Nhưng nay, những thửa đất rừng đã được nhường lại cho những thế hệ cây rừng "kế thừa" như tràm, keo lai non tuổi. Qua vài tháng mùa mưa, cây non đã lớn phổng phao, có cây đã cao hơn đầu người. Và đây được coi là thành quả "để dành", giúp cho những hộ từ mức trung bình trở thành hộ khá, hộ khá trở thành hộ "cận giàu" trong vài năm kế tiếp.

Nhiều lần đi thực tế ở U Minh, gặp gỡ nhiều người nông dân cả đời bám trụ đất rừng mới biết, trồng rừng thâm canh đã trở thành một trong những "mô hình" xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Trong 5 năm gần đây, nhờ chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, phần lớn hộ trồng rừng ở U Minh hạ đã nắm vững cách thức trồng rừng theo hình thức thâm canh. Tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, chỉ sau từ bốn đến sáu năm, những lứa rừng tràm, keo lai sẽ "đủ tuổi" lớn để thu hoạch, sản lượng gỗ cao gấp hai đến ba lần so cách trồng rừng theo kiểu quảng canh truyền thống. "Nếu trồng tràm, mỗi héc-ta bà con thu lời hơn 100 triệu đồng, còn trồng cây keo lai lợi nhuận gần gấp đôi" - Ông Trương Hòa Lợi, chủ ghe thu mua cây gỗ gần cống Khai Hoang (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) tiết lộ và cho biết thêm, nhờ lợi nhuận từ trồng rừng mà Tết này tôi thấy vùng quê U Minh có thêm nhiều căn nhà được xây mới, có hàng rào chỉn chu và trồng cây xanh, khang trang…

Qua khỏi thị trấn U Minh chừng 6 km là đến Khánh Thuận, một trong những xã nghèo nhất ở xứ sở U Minh. Toàn xã có 15 ấp với hơn 3.200 hộ dân. Trong đó, có tới 10 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Hồi đầu năm 2017, chính quyền địa phương rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, toàn xã Khánh Thuận khi ấy còn tới 923 hộ nghèo (chiếm 28,73%), cận nghèo chiếm 2,46% với 79 hộ. Vậy nhưng, chỉ sau một năm, Khánh Thuận chỉ còn 659 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo, tức giảm lần lượt 8,22% hộ nghèo và 0,47% hộ cận nghèo.

Ðưa chúng tôi đi thực tế xuống địa bàn ấp 1, một trong những ấp có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất ở Khánh Thuận, ông Võ Văn Bình, cán bộ phụ trách công tác văn hóa, xã hội xã tiết lộ, do mới chia tách từ xã Khánh Hòa cho nên điều kiện hạ tầng của xã và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cái quý nhất ở miệt rừng Khánh Thuận là người dân không ỷ lại, không muốn bị nghèo và luôn chăm chỉ để vươn lên thoát nghèo. Ông Bình dẫn chứng trường hợp thương binh hạng 4/4 ở ấp 1 tên Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1937, dù chỉ có bảy công đất canh tác nhưng có tới sáu người con, đều trong độ tuổi lao động. Tuy cái ăn có thể đắp đổi qua ngày nhưng ông Quyền không có đủ tiền để xây dựng nhà ở, phải ở trong căn nhà tạm bợ. "Sau khi xã giới thiệu giúp các con ông có việc làm, hồi giữa năm 2017, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, hỗ trợ 50 triệu đồng giúp ông Quyền xây nhà. Từ ngày có nhà ở và con cái có công ăn việc làm ổn định, gia đình ông Quyền tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo" ông Bình cho biết.

Gần nhà ông Quyền là gia đình hàng xóm tên Võ Phát Nguyên, sinh năm 1952, kinh tế sa sút từ khi vợ ông lâm bệnh. Biết được gia cảnh, đảng viên Lâm Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã tìm đến tận nhà hướng dẫn làm các thủ tục tín chấp giúp ông Nguyên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có đồng vốn lãi suất thấp, ông Nguyên có tiền mua tôm giống thả nuôi. Sau hai vụ tôm trúng, ông Nguyên trả được hết nợ đã vay mượn bên ngoài để trị bệnh cho vợ và đến tháng 12-2017 vừa qua, gia đình ông được công nhận thoát nghèo. Khi được hỏi động cơ vươn lên thoát nghèo, ông Nguyên cho biết: "Gia đình có đất đai đàng hoàng nhưng mang tiếng nghèo, bản thân mặc cảm. Nhưng ai mà không có lúc thắt ngặt, gặp cảnh bệnh tật, ốm đau, phải nhờ đến địa phương. Song, cũng nhờ sự hỗ trợ kịp thời ấy mà gia đình tôi đã cố gắng vươn lên, trả sổ hộ nghèo để chính quyền chăm lo cho hộ khác".

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Thuận Lê Hồng Thịnh, nhân dân nơi đây chăm chỉ lao động nhưng "bị nghèo" do hoàn cảnh (bệnh tật, tai nạn giao thông) và do thiếu vốn sản xuất. "Người dân rất có "sĩ diện", không ai muốn nghèo nên việc giúp dân thoát nghèo là trong tầm tay" - Ðồng chí Thịnh quả quyết rồi dẫn chứng trường hợp của bà Huỳnh Thị Thu, sinh năm 1964, ngụ ấp 1, chỉ có nền đất để ở, không có đất sản xuất. Sau khi chồng mất, bà Thu lủi thủi làm lụng lo cho hai người con (một người bị bại liệt) mà không một lời than vãn. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ gia cảnh, Ðảng ủy xã chỉ đạo chính quyền giới thiệu cho bà Thu vào làm công nhân ở Công ty Khánh Linh (xã Khánh Thuận), đồng thời giúp con gái của bà học nghề theo Ðề án 1956. Tháng 8-2017, chính quyền xã tiếp tục vận động cất cho bà căn nhà tình thương và không lâu sau thì giới thiệu giúp con gái bà Thu là Trần Thu Thủy tìm được việc làm trong một công ty da giày ở tỉnh Bình Dương. Với hai lao động có thu nhập đều hằng tháng, cuộc sống gia đình bà Thu bớt phần vất vả. Nhờ vậy, tháng 11-2017 vừa qua, gia đình bà tự nguyện xin được thoát nghèo.

Ngược lại trung tâm hành chính huyện U Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dư Bé Ba thông báo tin vui ngày đầu năm mới: "Tổng kết cuối năm rồi, toàn huyện U Minh giảm được tới 4,84% số hộ nghèo so với năm trước, vượt hơn 0,84% so chỉ tiêu đề ra".

Ðể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng chí Dư Bé Ba cho biết, trên tinh thần phát huy nội lực, làm thực chất, các cấp ủy đảng, đoàn thể chính trị tại địa phương… đã xông xáo, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Bên cạnh việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, giúp nhân dân thuận tiện vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa…, U Minh còn đẩy mạnh công tác dạy nghề, truyền nghề cho con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp các chính sách "kéo" được nhiều doanh nghiệp về đầu tư, mở rộng sản xuất trên các lâm phần rừng tràm. Trong năm 2017, toàn huyện có thêm 4.367 lao động nông thôn tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Huyện U Minh vận động xây dựng được 43 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà ở cho hộ nghèo, đồng thời giải ngân được hơn 50 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hộ nghèo, cận nghèo có vốn mở rộng, tăng gia sản xuất.

Là nơi có "rừng vàng, biển bạc", nhưng trong quá khứ, U Minh bị coi là "túi nghèo" của tỉnh Cà Mau. Song, với sự chỉ đạo kiên quyết từ Ðảng bộ và chính quyền, cộng với quyết tâm vượt qua nghèo khó của người dân…, những lợi thế, tiềm năng từ đất rừng ở U Minh đã được "đánh thức". Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Huyện ủy U Minh Trương Ðăng Khoa cho biết: Huyện ủy chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát chặt chẽ để phân loại hộ nghèo do đâu, bà con cần gì để thoát nghèo? Sau đó, sẽ dồn sức, ưu tiên giúp đỡ những trường hợp hộ nghèo do hoàn cảnh, do bệnh tật… nhưng chăm chỉ lao động, thể hiện quyết tâm thoát nghèo. "Các cấp ủy đảng ở U Minh vẫn đóng vai trò nòng cốt trong chỉ đạo và tham gia cùng chính quyền thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Tới đây, Huyện ủy và các đảng ủy địa phương tiếp tục phân công đảng viên làm "bà đỡ" giúp các hộ nghèo. Bằng các cách thức giúp đỡ, như: Bảo lãnh tín chấp, cho mượn vốn làm ăn, vận động xây dựng nhà, cho mượn tiền, mượn tư liệu sản xuất…, lãnh đạo huyện tin tưởng sẽ có thêm hàng nghìn hộ thoát nghèo trong năm tới" - Ðồng chí Trương Ðăng Khoa kỳ vọng.

Rời U Minh, chúng tôi tới thăm nhà chú Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), nguyên Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Cà Mau. Hồi rừng U Minh cháy trơ trọi, chú Ba Liêm là "thủ lĩnh" Ðoàn, khăn gói cùng hàng nghìn đoàn viên, thanh niên vào U Minh hạ trồng lại rừng, khắc phục thảm họa sau cháy. Chú góp vui trong lúc mệt nhọc, câu hát: Ði giữa rừng tràm chẳng thấy tràm đâu. Gian khổ ở vùng đất khó, lúc nghỉ công tác, chú chọn U Minh là điểm "dừng chân". Trên cánh rừng tràm hơn 5 ha ngày nào, qua bàn tay chăm chỉ của người cả đời gắn bó với U Minh, giờ đây chúng đã trở thành vườn cây, ao cá, với nhiều loại cây ăn quả, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ðưa chúng tôi ra sau vườn tham quan mô hình, chú Ba Liêm "chế" lại câu hát năm nào một cách hóm hỉnh nhưng thực tế: Ði giữa rừng tràm chẳng thấy nghèo đâu. Với chú Ba và những người U Minh chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm, cái nghèo đang lùi dần vào quá khứ…!