Nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc với huyện đảo tiền tiêu
Ngay từ khi bắt đầu có thông tin về bão số 3 (bão Yagi), Tập đoàn VNPT đã có chỉ đạo VNPT Hải Phòng triển khai các biện pháp chuẩn bị, phòng chống và ứng phó với bão nhanh chóng, kịp thời. Tuy có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng trước sức tàn phá của một cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trên đảo đã nhanh chóng tê liệt. Bão và hoàn lưu bão đã đánh sập gần hết các ăn-ten 2G/3G/4G và ăng ten vệ tinh của các nhà mạng, nhà trạm bị tốc mái, đổ sập… Bạch Long Vĩ hoàn toàn mất kết nối với đất liền.
Là huyện đảo tiền tiêu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng biển của Việt Nam, việc bảo đảm thông tin liên lạc cho chính quyền và người dân trên đảo Bạch Long Vĩ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, VNPT đã ngay lập tức cung cấp điện thoại vệ tinh chuyên dụng cho lãnh đạo huyện, phục vụ cho việc kết nối, trao đổi thông tin với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
Ngay khi bão vừa dứt, dù vẫn mưa to song đội ứng cứu của hai đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT là VNPT Net và VNPT Hải Phòng đã lên chuyến tàu đầu tiên cùng các lực lượng của thành phố để ứng cứu khôi phục thông tin liên lạc cho đảo. Ra đảo trong tình trạng mưa to, sóng lớn, phải mang theo rất nhiều trang bị, vật tư, máy móc cồng kềnh, đường đi lên các điểm sửa chữa cũng vô cùng vất vả. Việc bị cô lập thông tin khiến cho khối lượng công việc trở nên nhiều và khó khăn hơn. Khi muốn trao đổi một thông tin nhỏ giữa phòng máy và anh em trên cột phát sóng cũng phải leo lên cả quả đồi. Chưa kể đêm tối, mất điện, việc leo lên các cột sóng cao hàng chục mét, mang theo các thiết bị để sửa chữa trên lưng khiến cho công việc càng trở nên nguy hiểm.
Anh Nguyễn Hồng Nam, một thành viên trong tổ ứng ứng kể lại “Trời vẫn mưa, biển động, chúng tôi theo con tàu Hoa Phượng Đỏ ra đảo. Cập bến lúc nhá nhem tối, khuân thiết bị từ bến tàu vào trạm cũng đã khuya. Anh em vẫn đi khảo sát nhanh để lên kế hoạch hôm sau thực hiện ứng cứu nhanh nhất có thể. Thiết bị trong nhà ngập nước, thiết bị ngoài trời hỏng toàn bộ. Anh em vừa phải lắp đặt thiết bị outdoor trên cột cao và trạm VSAT vệ tinh giữa khi mưa gió sầm sập, vừa sấy thiết bị indoor, đo kiểm cáp,...”
Tổ ứng cứu VNPT thực hiện công tác sửa chữa trên cột phát sóng sáng ngày 11/9, trong điều kiện thời tiết vẫn còn mưa to và gió lớn. |
Anh Lê Đức Thắng-nhân viên thuộc Trung tâm viễn thông I - VNPT Hải Phòng, một thành viên tổ ứng cứu kể lại: “Tác nghiệp trong trạng thái mưa gió thất thường, cây đổ, đường trơn ngập, các mái nhà tôn lật bay khắp nơi, vừa khó khăn, vừa nguy hiểm. Anh em phải tranh thủ làm từng phút một. Lúc nào mưa gió to quá thì tạm ngừng, chạy vào nhà trạm để tránh, ngớt mưa một chút thì lại leo lên cột để sửa. Lúc ấy, cũng không ai nghĩ được gì nhiều, chỉ cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể để có thể”.
Và những thấp thỏm “niềm riêng” của các trụ cột gia đình
Vượt qua sóng gió, sau gần 20 tiếng đồng hồ gần như quên ăn, quên ngủ, những nỗ lực của đội ứng cứu đã có thành quả. Đến trưa ngày 11/9/2024, mạng viễn thông công cộng, sóng VinaPhone tại Bạch Long Vĩ đã được khôi phục trong niềm vui, sự phấn khởi của chính quyền và người dân trên đảo.
Lúc này, anh và những đồng nghiệp của mình trong tổ ứng cứu mới tạm thời được ngả lưng xuống chiếc chiếu trên nền gạch thô sơ của Trạm viễn thông VNPT trên đảo lấy lại sức để sớm quay trở lại đất liền, tiếp tục tham gia ứng cứu tại Hải Phòng và các tỉnh thành khác.
Niềm vui của những người “nối sóng” VNPT sau khi khôi phục mạng lưới, giúp người dân trên đảo Bạch Long Vỹ kết nối sóng VinaPhone với đất liền. |
Trong sự phấn khởi vì hoàn thành nhiệm vụ đầy gian nan nơi sóng gió, cũng không ít những “niềm riêng” của anh em tổ công tác-những trụ cột trong gia đình.
Nhớ lại thời điểm kết nối được sóng VinaPhone từ đảo với đất liền, anh Thắng không khỏi xúc động: “Có sóng, không chỉ đảo được kết nối với đất liền, mà chính chúng tôi cũng được kết nối với gia đình để nghe những tin nhà đầu tiên sau mấy ngày gió bão tơi bời”
Theo đó, anh em cho biết, toàn bộ thành viên tổ ứng cứu đều rời nhà từ trước khi bão bắt đầu. Họ đi ứng cứu cho nhiều nơi, nhưng ở nhà thì cha mẹ, vợ con phải tự lực chống bão. Có nhà thì bị tốc mái, nhà thì bị ngập, điện nước bị cắt…
“Ra đến đảo, lại càng không thể kết nối với gia đình nên vô cùng lo lắng. Chính vì vậy, chúng tôi hiểu được tình cảnh và tâm lý chung của người dân trên đảo khi không thể kết nối với nhau, không thể kết nối với gia đình và người thân trong đất liền là như thế nào. Nỗ lực hết sức để hoàn thành sớm công việc, để kết nối sóng cho người dân, cho chính quyền mà cũng là để kết nối cho chính mình. Thời điểm hệ thống được khôi phục, sóng Vinaphone hoạt động trở lại, cảm xúc của anh em cũng vỡ òa theo”, anh Thắng nói.
Có thể nói, việc sớm khôi phục được dịch vụ viễn thông công cộng tại đảo tiền tiêu này chỉ là một trong số vô vàn câu chuyện khác những ngày các địa phương ngổn ngang sau bão này. Ở đâu hiện diện “áo xanh VNPT”, ở đó có những mạch thông tin liền lạc được hồi sinh, để cùng chính quyền và người dân cùng tái thiết hạ tầng, ổn định cuộc sống sau khi thiên tai tàn phá.