Sau cơn mưa lả lướt, đất trời âm u, chúng tôi ghé thăm hai tiệm cắt tóc ở đường Ngô Văn Năm (phường Bến Nghé, quận 1). Nơi đây, ngày trước có cả một phố cắt tóc nhưng nay chỉ còn hai thợ, một già một trẻ. Người thợ trẻ là anh Võ Tuấn Ðạt (34 tuổi). Quê gốc Nam Ðịnh, năm 1990, cả gia đình anh "nam tiến". Năm 1992, cha anh là ông Võ Tuấn Ðiệp được mọi người mách bảo, đã ra đây hớt tóc mưu sinh và nuôi gia đình. Năm năm sau, anh Ðạt lại ra tiệm, phụ cha cắt tóc cho khách qua đường. Khi đã có một lượng khách kha khá, ông Ðiệp chuyển sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm một tiệm cắt tóc khác, còn nơi cũ giao cho con trai.
16 năm làm nghề hớt tóc, gắn bó với từng góc phố, anh Ðạt giờ đã có vợ và một đứa con kháu khỉnh. Ngày nối ngày, anh chở đồ nghề trên một chiếc xe máy ra đây để hành nghề. Tiền công từ nghề cắt tóc chỉ đủ trang trải cho mái ấm nhỏ. Vợ con của anh cũng phải ở đậu nhà ông Ðạt ở đường Lê Văn Lương (quận 7). Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Ðạt chia sẻ, thợ cắt tóc "thời Ú" không còn sử dụng dao lam "mài" vào một miếng da cho bén như ngày xưa mà thay bằng dao lam mới để tránh lây bệnh cho khách. Những người phó cạo thì đeo khẩu trang để tóc không "ăn" vào người. Anh thợ trẻ tâm sự, khi cách đó rất gần, tiếng cụng bia của thực khách trong quán Hai Lúa mỗi lúc một lớn, át cả tiếng tỉ tê của anh.
Người thợ già còn lại là ông Nguyễn Văn Hương (quê Củ Chi). So với Ðạt thì ông Hương kiệm lời hơn, chỉ tỉ mẩn trong công việc hằng ngày với tiếng tông-đơ lách cách. "Giờ quán cắt tóc máy lạnh có các cô gái chân dài mọc lên như nấm sau mưa nên tiệm hớt tóc ngoài đường cũng ít khách dần. Ngày nhiều nhất cũng chỉ được mười khách" - ông Hương vừa nói vừa phóng ánh mắt ra xa về hướng Nhà máy Ba Son đang lồng lộng gió chiều. Ông Hương nói rằng, "nước sông không phạm nước giếng", khách của ai người đó cố giữ, tuyệt nhiên không có cảnh tranh giành khách như ở các tiệm hớt tóc khác.
Rời tiệm của ông Hương, chúng tôi đến đường Ngô Thời Nhiệm, gần Bệnh viện Da Liễu (quận 3). Ở đây có tiệm của ông Ðược, đang đông khách. Ông Ðược là dân ngoài bắc vào nam cách đây vài chục năm. Ông ăn mặc rất lịch sự với bộ quần áo tây chỉn chu, tay áo thắt nút rất nghiêm chỉnh. Với vài chục năm có lẻ trong nghề, ông tư vấn cho khách cắt tóc cao hoặc thấp, sao cho phù hợp với khuôn mặt, chứ không cắt ào ào như một số thợ trẻ tuổi. Khi cạo mai tóc, ông lại ngắm nghía để không bị lệch, dù là chỉ vài cọng tóc. Khách đến tiệm ông có đủ thành phần, từ già tới trẻ, từ người thu nhập thấp, dân lao động cho đến cả những ông già giàu sụ có cả vài chục năm đến đây hớt tóc.
Ngồi dưới tán cây bàng, từng giọt nắng ít ỏi xuyên qua cành lá nhiều tầng, khách còn nói chuyện thời sự với ông thợ già. Họ bàn luận đủ điều cho đến khi mái tóc của khách đã cắt xong, những sợi bạc vương trên nền gạch. "Ra đây, cắt tóc vừa mát, vừa được hưởng gió mát ngoài trời vừa được nói đủ chuyện trên trời dưới đất là thú vui của tuổi già" - ông Trần Văn Lợi (70 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thông, quận 3, một khách cắt tóc) tâm sự. Ngoài cắt tỉa tóc, nhiều vị khách lớn tuổi còn đến tiệm của ông Ðược để nhuộm tóc. Sau vài chục phút, các cụ ông như trẻ hơn trông thấy, mỉm cười bước xuống ghế, bắt tay ông Ðược thật chặt.
Như anh Ðạt, ông Hương, ông Ðược đều có chung một nỗi niềm chưa nói là sắp tới sẽ không còn cơ hội gắn bó với nghề đã nuôi sống họ bấy lâu nay vì không được hành nghề trên vỉa hè. Nếu đi nơi khác, khách quen sẽ không còn nhiều. Con cái của những người thợ cắt tóc này hiếm hoi có người theo nghiệp cha ông mà kiếm việc khác để nhẹ nhàng hơn. Thế hệ trẻ bảo rằng, tiếp xúc với tóc của bá tánh, với bụi đường thì cực quá nên chọn lối đi khác.
Ðó cũng là tâm sự riêng của anh thợ cắt tóc người miền trung di cư vào TP Hồ Chí Minh ở đầu đường Lê Ngô Cát (quận 3). Nằm phía sau quán nhậu Tràm Chim - nơi lui tới của nhiều quý ông, tiệm cắt tóc ấy đã tồn tại hơn mười năm qua, từ ngày ông chủ của nó "nam tiến" thì nó cũng xuất hiện ở con đường hoa lệ phủ đầy quán nhậu sang trọng. Nhìn khách xịn vào quán, anh thợ cất lời bằng giọng buồn: "Có ngày cũng có một, hai khách, nhưng có ngày căng bạt, che ghế nhưng cũng không có khách. Lúc rảnh, tôi lại phụ vợ bán cà-phê cóc kiếm thêm. Nghề này bạc bẽo lắm nên chắc con cái tôi sau này cũng không theo nghiệp như ba nó đâu mà kiếm cái nghề khác nhàn hạ hơn". Trước sự biến chuyển của thời cuộc, các tiệm hớt tóc chỉ còn dành cho khách bình dân còn những ai có tiền thì đã có các quán máy lạnh. Thế nhưng, những ai theo nghiệp hớt tóc đường phố thì vẫn ngậm ngùi với thời "vàng son" đã qua.
Nhìn những bác thợ cắt tóc bây giờ, chúng tôi lại nhớ đến thuở ấu thơ. Thời gian trôi nhanh, những nét đẹp của ngày xưa luôn làm ta nhớ mãi. Ðó là một chiếc ghế dựa dựng trên vỉa hè, người cần cắt tóc ngồi xuống, bác phó cạo hí hoáy lấy tông-đơ, dùng kéo cắt tỉa tách tách. Nhiều vị khách đã thiu thỉu ngủ trên ghế lúc nào chẳng hay. Ðã có bao người khôn lớn từ thời hàn vi nghèo khó đó. Rồi mai này, chắc hẳn hình ảnh này sẽ nhạt nhòa dần và lòng ta lại vấn vương nét xưa, hồn cũ nơi góc phố thân thương.