Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng cù lao Lợi Quan

ND - Cù lao Lợi Quan thuộc hai huyện Gò Công Tây và Gò Công Ðông (Tiền Giang) được bao bọc bởi bốn bề sông nước, tiềm năng thủy, hải sản rất phong phú. Tuy nhiên, do "thế cù lao" cách trở, đất đai bị nhiễm mặn gần như quanh năm nên đời sống, sản xuất của người dân nơi đây luôn khó khăn vất vả. Tìm một giải pháp thích hợp tạo bước đột phá, nâng dần mức sống cho người dân, đang là sự quan tâm, trăn trở của Tiền Giang.

Cù lao khốn khó trăm bề

Cù lao Lợi Quan nằm ở cuối hạ lưu sông Tiền, được bao bọc bởi phần cuối của ba con sông cửa Tiểu, cửa Trung, cửa Ðại tiếp giáp với Biển Ðông, bao gồm sáu xã Phú Tân, Phú Ðông (Gò Công Ðông), Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Thới (Gò Công Tây), với tổng diện tích tự nhiên hơn 20 nghìn ha, dân số hơn 43 nghìn người. Ðây là vùng đất có tiềm năng phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản và du lịch. Tuy nhiên, do khu vực cù lao quá rộng (chiều dài cù lao hơn 37 km, chỗ rộng nhất hơn 6 km) và bị chia cắt bởi sông nước bao quanh, nên rất khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời cũng khó khăn trong đầu tư vốn và huy động các nguồn lực xã hội. Việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân như giáo dục, y tế, thông tin, văn hóa, giao thông và quan hệ với cơ quan công quyền cũng thường gặp khó khăn, do "thế cù lao" cách trở.

Phát triển kinh tế ở cù lao Lợi Quan vẫn là bài toán khó, chưa có lời đáp. Phương tiện đi lại duy nhất từ cù lao đến trung tâm các huyện lỵ là đò. Cơ sở hạ tầng của vùng cù lao có thể nói là kém nhất tỉnh. Tuyến đường huyết mạch (đường tỉnh 877 B) nối liền các xã nhiều năm nay vẫn chưa được trải nhựa, còn các tuyến nối liền xã, ấp thì sang lắm là chỉ trải đá đỏ, vừa nhỏ hẹp, vừa khó đi. Ðất đai bị nhiễm mặn quanh năm, nên sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn. Cây lúa không chủ động được nước ngọt, diện tích canh tác lúa hầu hết là một vụ/năm, năng suất thấp, bình quân 3,5 tấn/ha. Cây ăn trái thì chỉ phát triển được cây dừa, mãng cầu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Còn phát triển chăn nuôi, theo người dân sở tại thì chỉ nuôi để cải thiện bữa ăn. Vùng này người dân còn chịu cảnh thiếu nước ngọt hằng năm từ bốn đến sáu tháng, riêng những xã như Phú Tân, Phú Ðông thì thiếu nước ngọt gần như quanh năm. Do nước ngọt không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường nhật cho người dân, nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm khó phát triển...

Những năm gần đây, Tiền Giang đã tập trung tìm giải pháp để giải bài toán khó cho vùng đất cù lao. Ðó là, hai xã giáp Biển Ðông: Phú Tân, Phú Ðông tận dụng điều kiện tự nhiên nước mặn nhiều, phát triển nghề nuôi thủy sản, trước mắt là con tôm sú. Hình thức nuôi phổ biến hiện nay của hai xã là nuôi quảng canh cải tiến và bán công nghiệp, năng suất bình quân 2 - 3 tấn/ha. Cách làm này đã mang lại hiệu quả bước đầu và có chiều hướng phát triển. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này còn bấp bênh, mà nguyên nhân chủ yếu là các kỹ thuật viên chuyên ngành và các công trình cấp, thoát nước, dịch vụ về giống - kỹ thuật chưa phát triển. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, Lê Thị Hằng cho biết: "Ðời sống người dân Phú Tân trước đây rất nghèo, phần lớn đều đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Bây giờ đã khấm khá hơn  nhờ phát triển nghề nuôi tôm sú. Thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện tại đã đạt sáu triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, toàn xã có 2.416 ha nuôi thủy sản nước mặn, nhưng phát triển thiếu bền vững, rủi ro còn cao. Một số hộ chưa am hiểu kỹ thuật, nuôi tôm thất bại, nợ nần chồng chất, nên số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao...

Tiền Giang cũng đã  từng bước hoàn thiện hệ thống đê bao từ Tân Thới đến Phú Ðông, hình thành tiểu vùng ngọt hóa, nhằm phát triển kinh tế vườn và sản xuất lúa tăng vụ. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, hệ thống đê bao này do đầu tư chưa đúng mức, hiệu quả mang lại chưa cao. Ðồng chí Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh trăn trở: Vùng đất này rất khó phát triển sản xuất, đê bao ngọt hóa chưa phát huy hiệu quả, cây lúa chưa tăng vụ được, năng suất chỉ ở mức trung bình. Cái khó thì nhiều lắm, thiếu nước sinh hoạt, chất lượng nước tiêu dùng kém, hệ thống y tế không đủ sức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại chỗ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT rất ít, do hộ nghèo đông, đường sá đến các điểm trường huyện xa xôi, cách trở...

Phát huy những tiềm năng, lợi thế

Thực tế những năm qua cho thấy, tỉnh, huyện  đã có nhiều cố gắng đầu tư cho cù lao Lợi Quan, nhưng chỉ đầu tư theo hướng giải quyết những bức xúc trước mắt, chưa có kế hoạch đầu tư chiến lược lâu dài, nên tốc độ phát triển của vùng vẫn còn chậm, đời sống, thu nhập của dân cư vẫn chưa được cải thiện. Theo số liệu thống kê năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của vùng cù lao Lợi Quan chỉ đạt 314 USD/năm, thấp hơn thu nhập bình quân toàn tỉnh  Tiền Giang rất nhiều.

Dù có nhiều khó khăn, song phải nhìn nhận khách quan rằng, sáu xã cù lao Lợi Quan còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ðó là, địa hình cù lao trải dài hơn 37 km từ tây sang đông đã tạo ra sự đa dạng về sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn có thể phát triển nông nghiệp và nuôi trồng nhiều loại thủy sản. Với hơn bốn nghìn ha đất sông và mặt nước, 4.798 ha đất bằng chưa sử dụng và mật độ dân số rất thấp (216 người/km2) thì tiềm năng phát triển kinh tế của sáu xã cù lao là rất lớn.

Ðể tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế toàn vùng cù lao, rất cần một chiến lược quy hoạch vùng thống nhất để phát huy tiềm năng đa dạng về sinh thái. Hiện tại, sáu xã cù lao đặt dưới sự quản lý của chính quyền hai huyện Gò Công Ðông, Gò Công Tây thì khó có thể tiến hành quy hoạch vùng thống nhất và có chiến lược tập trung  đầu tư hiệu quả. Do vậy, qua nhiều năm nghiên cứu, khảo sát thực tế, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc đại biểu QH, đại biểu HÐND các cấp với cử tri, đông đảo cử tri đều bày tỏ mong muốn sớm thành lập huyện mới trên địa bàn sáu xã cù lao Lợi Quan để tiện trong giao dịch hành chính, tư pháp, tín dụng; tiện cho việc sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, học tập, đi lại, thông tin liên lạc và được hưởng phúc lợi từ các công trình phúc lợi công cộng do Nhà nước đầu tư trong tương lai... Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, thành lập huyện mới ở cù lao Lợi Quan sẽ tạo động lực kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội vùng này một cách đồng bộ, tiến đến phát triển bền vững; đồng thời giúp người dân cù lao thoát nghèo.

Theo đó, trên cơ sở tính toán của bản Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và các Quy hoạch hai huyện Gò Công Ðông, Gò Công Tây cho thấy, huyện mới khi được thành lập có khả năng phát triển rất nhanh. Dự báo, nhân dân huyện mới sẽ thoát nghèo vào năm 2015; nền kinh tế huyện sẽ phát triển bền vững từ năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo sẽ chỉ còn 3% vào năm 2020.

Năm 1994, Tiền Giang đã được Chính phủ cho phép thành lập huyện mới Tân Phước. Qua gần 13 năm, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước đã  biến vùng đất hoang hóa do nhiễm phèn nặng từ hàng nghìn năm trở thành vùng đất trù phú. Bên cạnh đó, huyện Tân Phước hiện còn mở ra triển vọng phát triển công nghiệp (chuẩn bị khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Long Giang, rộng 600 ha tại xã Tân Lập), tỷ lệ hộ nghèo giảm theo các năm, tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng nhiều. Ðây chính là bài học kinh nghiệm rất quý báu của Tiền Giang, và cũng là cơ sở để Tiền Giang xây dựng quy hoạch phát triển khu vực cù lao Lợi Quan.