Chuyển đổi số để phát triển bền vững

Những thách thức đặt ra do biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nước. Vì vậy, cần áp dụng chuyển đổi số để giải quyết bài toán an ninh, an toàn cấp nước và xử lý nước thải cho ngành nước nói chung và các đô thị nói riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động phân tích mẫu nước của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Hoạt động phân tích mẫu nước của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam (VWSA) Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, hiện hệ thống thoát nước các đô thị, các khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cơ chế, chính sách quản lý thoát nước còn thiếu và thực tế còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn tới việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước ngày càng khó khăn. Tình trạng ngập úng tại các đô thị, ô nhiễm các nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém, bất cập trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước.

Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu, định hướng phát triển thoát nước của Việt Nam được điều chỉnh là: đến năm 2025, tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt hơn 80%, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 20-50%, tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý hơn 80%, riêng tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý 100%. Đến năm 2050, cả bốn chỉ số này đều phải đạt 100%.

Tiến tới chuyển đổi số ngành nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành nước và cấp nước trên toàn quốc. Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, năm 2022, trung tâm đã xây dựng phần mềm phục vụ điều tra, khảo sát và thu thập tổng hợp dữ liệu tài nguyên nước lưu vực sông Cả.

Cụ thể, ứng dụng di động phục vụ điều tra, khảo sát tài nguyên nước; tạo web quản trị tích hợp (Phân hệ điều tra khảo sát và thu thập dữ liệu; Phân hệ quản lý hoạt động điều tra, khảo sát; Phân hệ khai thác dữ liệu); tạo lập bộ cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cả được tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

Với bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm hoạt động trong ngành cấp nước, Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) đặc biệt chú trọng việc giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước, qua đó, góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Quawaco chia sẻ, việc chống thất thoát, thất thu luôn được công ty chú ý và đó là công việc hằng ngày. Khi áp dụng các phương pháp và ứng dụng công nghệ mới thì có thể giải quyết các vấn đề về thất thoát vật lý nhưng điều quan trọng là việc chống thất thu thương mại.

Với các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ phát hiện sự cố đã được nâng cao khi có gần 350 sự cố mới được phát hiện mỗi tháng, 3.300 sự cố được xử lý trong năm với tổng chi phí gần 1,7 tỷ đồng. Qua đó, kết quả thực tế đã cho thấy tỷ lệ thất thoát, thất thu nước của công ty giảm rõ nét qua các năm. Từ 14,42% năm 2017 xuống 11,79% năm 2019 và 10,84% trong năm 2022.

Phát triển khoa học, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi, giúp các doanh nghiệp cấp, thoát nước làm được nhiều việc với nguồn tài nguyên hạn chế, mang lại hiệu quả cao với chi phí đầu tư thấp.

Là đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học - uBCF trong xử lý nước tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo và Nhà máy nước An Dương tại thành phố Hải Phòng, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng không ngừng thực hiện các dự án nâng cao năng lực, tính kết nối của hệ thống cấp nước, luôn bảo đảm độ tin cậy, sự liên kết và an toàn vận hành cho các hệ thống cấp nước.

Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 119 cơ sở cấp nước tập trung, trong đó, có 11 đơn vị cấp nước có công suất hơn 1.000m3/ngày đêm và 108 đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm. Số cơ sở cấp nước đô thị là 11 đơn vị, cấp nước cho khoảng 387.425 hộ gia đình, chiếm 75,46% số dân.

Thời gian gần đây, để bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt, công ty đã kết hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, các cơ quan quản lý thực hiện việc giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô từ đầu nguồn đến các điểm thu nước, lắp đặt các điểm quan trắc tự động đo độ mặn từ đầu nguồn; thực hiện quy trình vận hành, thau đảo nguồn nước hợp lý.

Phát triển khoa học, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi, giúp các doanh nghiệp cấp, thoát nước làm được nhiều việc với nguồn tài nguyên hạn chế, mang lại hiệu quả cao với chi phí đầu tư thấp.

Bên cạnh đó, cần tạo một hành lang pháp lý giúp ngành nước phát triển ổn định, bền vững. Đối với các doanh nghiệp thoát nước (công ty môi trường), khi đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị đồng bộ sẽ thực hiện chuyển đổi số thuận lợi và phù hợp.

Các công ty thoát nước chỉ được thuê vận hành hệ thống thoát nước theo hợp đồng dịch vụ có thời hạn cũng khiến hạn chế trong quá trình chuyển đổi số ngành thoát nước đô thị. Một trong những vấn đề nữa cần được quan tâm đối với ngành nước trong chuyển đổi số là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và phần mềm quản lý thống nhất giúp đồng bộ quản lý ngành cấp nước.