Tại buổi làm việc gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng đánh giá đây là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Tối ưu dịch vụ hướng đến người dân, doanh nghiệp
Nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực tối ưu để triển khai thí điểm công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Không chỉ đồng bộ số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, Bảo hiểm xã hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chíp nhằm xác thực chính xác danh tính người bệnh, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi...
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục thí điểm các hoạt động, dịch vụ để có thể triển khai hiệu quả trên toàn quốc, như: thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại Bộ phận “Một cửa” tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương; triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội); triển khai thí điểm nhóm dịch vụ công, là: Liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi...
Nỗ lực vì mục tiêu hoàn thiện ngành Bảo hiểm xã hội số
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp bảy dịch vụ công trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Cổng Giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ.
Trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của ngành; Hình thành ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao; Kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam... “Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 39 (tổ chức ngày 23-24/11 tại Thái Lan), Bảo hiểm xã hội Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng thực tiễn hiệu quả với dự án “Giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”.