Chương trình Giáo dục thể chất mới có tính mở

NDO -

NDĐT - Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Theo các chuyên gia biên soạn, môn Giáo dục thể chất được thiết kế theo cấu trúc “vừa đồng tâm, vừa tuyến tính” phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh, đồng thời chương trình môn học mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường.

Học sinh phổ thông trong giờ Thể dục (Ảnh:LÊ HÀ)
Học sinh phổ thông trong giờ Thể dục (Ảnh:LÊ HÀ)

Học theo nguyện vọng

Xuất phát từ đặc trưng của môn học Giáo dục thể chất ở phổ thông, Ban soạn thảo đã nhấn mạnh chương trình môn Giáo dục thể chất được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phạm hiện đại như: Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học, phương pháp giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao; Kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Giáo dục thể chất của Việt Nam và các nước có nền giáo dục tiên tiến; Thực tiễn giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

Chương trình được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm, vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học và hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực ở học sinh.

Chương trình môn học giáo dục thể chất mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với yêu cầu giáo dục, điều kiện thực tế và đặc điểm cụ thể của học sinh địa phương.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), chương trình triển khai theo bốn mạch: Đội hình đội ngũ; Vận động cơ bản; Bài tập thể dục; Thể thao tự chọn.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), chương trình Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc có phân hoá, thông qua hình thức tự chọn môn thể thao nhằm giúp cho học sinh tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Chương trình học mỗi môn thể thao gồm ba nội dung: kỹ thuật cơ bản; kỹ thuật nâng cao; hoàn thiện các kỹ thuật, chiến thuật thi đấu. Tùy điều kiện của mỗi trường, học sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thể thao trong ba năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn thể thao.

Việc đánh giá kết quả Giáo dục thể chất được đề ra là phải căn cứ vào mục tiêu và các yêu cầu cần đạt trong chương trình, bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hoá; phải kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ, kết hợp giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh để điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy - học.

Việc đánh giá kết quả cần thúc đẩy và hỗ trợ học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực chung, năng lực chuyên môn, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ hoạt động vận động của học sinh tạo được hứng thú và khích lệ tinh thần tập luyện của học sinh, qua đó khuyến khích các em tham gia các hoạt động thể thao ở trong và ngoài nhà trường.

Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được ghi nhận bằng loại như: Xuất sắc: A+; Giỏi: A; Khá: B; Trung bình: C; Yếu: D.

Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 được đánh giá theo thang điểm 10.

Việc đổi mới phương pháp dạy học Giáo dục thể chất theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của chương trình. Yêu cầu cơ bản của phương pháp giáo dục mới là phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, rèn luyện năng lực tự học, tự tập luyện cho học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực thể chất.

Việc đổi mới phương pháp cũng đặt ra những yêu cầu đối với giáo viên như: giáo viên đóng vai trò thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển.

Giáo viên sử dụng đa dạng các phương pháp nhằm tích cực hoá các hoạt động của học sinh một cách hợp lý, kết hợp các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, chú trọng sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn thông qua các tranh ảnh kỹ thuật, video clip... để tạo nên giờ học sinh động, hấp dẫn và hiệu quả.

Trong hoạt động giáo dục thể chất, giáo viên cần tích hợp, sử dụng kiến thức một số môn học khác để nội dung luyện tập không bị đơn điệu. Giáo viên cần sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học môn Giáo dục thể chất để bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với thể lực của các nhóm học sinh, cơ sở vật chất của từng địa phương cũng như thời tiết của mỗi vùng miền, đặc biệt là các nội dung thực hành ở những trường không có nhà thể chất.

Điều kiện thực hiện chương trình

Theo các nhà biên soạn, Giáo dục thể chất là môn học liên quan chủ yếu tới sự vận động của cơ thể, trong suốt quá trình học tập và rèn luyện; đặc thù riêng của môn học là cần dụng cụ để tập luyện các môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, võ, điền kinh,...) kèm theo là nhà tập hoặc sân tập cho các môn thể thao...Vì vậy, cần phải có những thiết bị tối thiểu để phục vụ cho công tác giảng dạy và tập luyện là hết sức cần thiết đối với các địa phương.

Về đội ngũ, cần tăng cường đủ giáo viên giáo dục thể chất phục vụ cho công tác giảng dạy tại các nhà trường. Đặc biệt ở cấp tiểu học, do số tiết ở lớp 1 hiện hành là 35 tiết/năm, chương trình mới tăng lên thành 70 tiết/ năm.

Bên cạnh đó, để thực hiện được chương trình mới khi ban hành, cần phải tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên các cấp học hiểu rõ về mục tiêu, các yêu cầu về năng lực của học sinh cần đạt thông qua các nội dung môn học. Giáo viên phải được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực trước khi dạy học theo chương trình mới.