Thạch Lâm và Thái Sơn là hai xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Theo Nghị định 06/2018/NÐ-CP, mỗi học sinh được hỗ trợ 149 nghìn đồng tiền ăn trưa hằng tháng, khoản tiền này sẽ được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện thông qua nhà trường chi trả tới từng nhà. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ trên thực tế thường được sử dụng trang trải các chi phí sinh hoạt chung cho gia đình thay vì dành riêng cho trẻ. Không có bữa trưa bán trú, nhiều em sau buổi học sáng thường đi bộ về nhà tìm đồ ăn, dẫn tới tỷ lệ bỏ học buổi chiều rất cao, lên đến 80%. Với sự kêu gọi chung tay góp sức của Quỹ Vì Tầm vóc Việt, từ hai năm nay, 210 em học sinh tại năm điểm trường (Khau Noong, Nà Ó, Khau Dề, Sáng Xoáy và Bản Là) đã có những bữa trưa cân đối với rau, củ, thịt, cá... cùng một bữa phụ (mì hoặc cháo) vào buổi chiều.
"Ðầu năm học 2019 - 2020, toàn bộ học sinh từ ba đến năm tuổi tại điểm trường Khau Noong và Nà Ó đều suy dinh dưỡng. Chỉ số chiều cao, cân nặng của các con đều dưới mức tiêu chuẩn theo lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Kết thúc năm học 2020 - 2021 được ăn bán trú, 100% số trẻ đã đi học đầy đủ, không nghỉ học buổi chiều; trong đó 86,6% số em có chỉ số phát triển thể chất tốt (tăng cân và chiều cao đáng kể).
Cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 cho thấy, chiều cao nam thanh niên Việt Nam tăng gần 4 cm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, chiều cao trung bình vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Nhằm đẩy nhanh quá trình cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình. Ðiển hình như Ðề án 41 với mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 90% số cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định; 100% số cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa.
Mặc dù vậy, theo TS Ðàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, muốn triển khai thành công các dự án, thay vì trông chờ vào nguồn lực của các bộ máy ở cấp Trung ương, cần huy động cả các nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của doanh nghiệp.