Trong con mắt của quốc tế, Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia có nền chính trị ổn định, tình hình kinh tế-xã hội phát triển, GDP quốc dân và GDP đầu người tăng. Tuy nhiên, dù Chính phủ có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện đời sống của nhân dân, nhưng vẫn chưa có thể mang lại cuộc sống ấm no cho toàn dân. Vì vậy, việc chung tay sẻ chia trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách” được đề cao.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể về các hoạt động thiện nguyện hàng năm, nhưng những con số thống kê của “Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam” đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực sẻ chia của nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ chức mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn trên toàn quốc.
Là một quốc gia có tỷ lệ sông ngòi, ao hồ nhiều, cùng đường bờ biển kéo dài là lợi thế cho phát triển thuỷ hải sản cũng như có lợi thế về đa dạng sinh học và phát triển giao thương. Tuy nhiên, môi trường sông nước cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân. Theo thống kê đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi tại Việt Nam, tuy nhiên công tác cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Thái Bình, Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 được thành lập đã góp phần giảm bớt những trường hợp đuối nước thương tâm, cũng như hoạt động không mệt mỏi trong công tác cứu hộ, cứu nạn miễn phí trên sông và trên biển.
Mỗi năm, trưởng nhóm Nhâm Quang Văn lại cùng các thành viên đào tạo cho từ 300-500 học sinh biết bơi, tìm kiếm và đưa vào bờ hơn 100 nạn nhân xấu số và hỗ trợ gia đình người bị nạn an táng, cùng với đó kịp thời cứu sống nhiều người trước “lưỡi hái của tử thần”.
Nhâm Quang Văn và thành viên Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 chỉ là một trong nhiều thành viên và đội nhóm tham gia vào các hoạt động của “Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam” một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận hướng tới mục tiêu: Mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người”.
Nhâm Quang Văn - Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ 116 Thái Bình. |
Theo thống kê của “Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam”, trong năm 2023, riêng cộng đồng này đã có 3.354 chương trình được triển khai, trong đó nổi bật như: 1.958 chương trình tặng quà An sinh xã hội; 61 chương trình cứu trợ lũ lụt; 330 chương trình hỗ trợ khuyến học, học sinh, sinh viên; 142 ngôi trường và nhà nhân ái được xây dựng; 400 tỷ đồng là tổng giá trị thực hiện của cộng đồng trong năm 2023.
Không chỉ có vậy, hoạt động thiện nguyện diễn ra trên quốc cũng đa dạng về loại hình và mục đích, như: Hiến máu, trao tặng các suất ăn, chương trình dành cho sinh viên tham gia vào các hoạt động xã hội như Mùa hè xanh, Tình nguyện mùa đông; hay những chương trình mang lại niềm vui cho nhiều người như: Tết vì người nghèo……
Dù là các hoạt động nhỏ, nhưng đã mang lại giá trị lớn về vật chất và tinh thần cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, “Cộng đồng tình nguyện Việt Nam” đã mang 633.754 suất ăn, 204.668 suất quà tới tận tay trẻ em, người cao tuổi, từ nông thôn tới vùng sâu, vùng xa.
Với tinh thần yêu thương và sẻ chia, những người tham gia công tác thiện nguyện đều làm việc thầm lặng, hướng tới mục tiêu chung là mang lại cuộc sống bền vững cho nhiều người.
Tuy nhiên, để khích lệ tinh thần hy sinh, vượt khó, vượt khổ, một hoạt động ghi nhận đã được tổ chức thường niên. Từ năm 2017, lễ tôn vinh “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” đã được phát động nhằm động viên, cổ vũ và nhân rộng các cá nhân đã có những đóng góp xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng. Đồng thời, tri ân tới tinh thần xung kích tình nguyện, và sự cống hiến của tuổi trẻ trong các hoạt động vì an sinh xã hội, vì cộng đồng, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp nối thành công, lễ tôn vinh “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” năm 2023 với những con số ấn tượng là minh chứng cho những giá trị mà cộng đồng tình nguyện mang lại.
Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tại lễ vinh danh |
Theo ông Đỗ Văn Dệ - Chủ tịch Cộng đồng Tình nguyện Việt nam, Trưởng Ban tổ chức, lễ tôn vinh lần thứ 6 (năm 2023) rất tuyệt vời và đặc biệt. Tuyệt vời vì sự lan toả, hưởng ứng của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, số lượng đề cử, ứng cử cao hơn nhiều so với mọi năm. Thí dụ như, số ứng cử gấp 3 lần so với mọi năm; xuất hiện nhiều nhà hảo tâm có mức cống hiến cao với trị giá 10-20 tỷ đồng, có người tổ chức hàng trăm chương trình…
Để đến với buổi lễ tôn vinh lần thứ 6, hàng ngàn cá nhân, hội nhóm, tổ chức…được đề cử, ứng cử phải trải qua 5 chặng: Đề cử, ứng cử; Vòng bình chọn online; Hội đồng giám khảo đánh giá, bình xét; Thông báo danh sách đoạt giải để tìm ra 100 thủ lĩnh tiêu biểu, xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện. Với sự gia tăng về số lượng và hình thức thực hiện, là thử thách cho BGK trong công tác đánh giá, phân tích chấm giải.
Đối với các ứng cử của giải thưởng, Phó Trưởng ban Giám khảo Lê Tuấn Can rất ấn tượng với các lĩnh vực đa dạng, nhiều hoạt động đem lại giá trị to lớn cho xã hội, cống hiến đa dạng. Theo ông Can, chính đây là cái khó cho Ban Giám khảo khi xét chọn, đánh giá.
100 thủ lĩnh và 200 tình nguyện viên tiêu biểu chỉ là những người đại diện cho một cộng đồng lớn mạnh, vươn xa, đi sâu vào những nơi khó khăn nhất của Tổ quốc, nhằm mang lại nhiều khát khao có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, ấm no hơn.
Những con số không nói lên hết được những đóng góp bằng tinh thần, sức lực và cả tình yêu thương dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế của một cộng đồng nói riêng và của toàn thể xã hội nói chung. Việc chung tay dù còn nhiều hạn chế, nhưng với tinh thần của một dân tộc vượt khó qua các giai đoạn lịch sử thì một Việt Nam bền vững, an toàn, hạnh phúc và đáng sống sẽ là một tương lai không xa.