Với phụ nữ vùng biên, việc chăn nuôi gia cầm là một công việc rất đỗi bình thường nhưng như trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Ðiềm (53 tuổi, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), chỉ còn một phần đôi chân, chăn gà là cách mưu sinh duy nhất. Cúi xuống vung nắm thóc chăm bẵm bầy gà đến lứa, chị cười hân hoan: "Tôi không làm được những công việc nặng nhọc. Năm 2018, nhờ được Hội LHPN xã hỗ trợ năm triệu đồng, tôi bắt đầu thực hiện nuôi gà thả vườn vì công việc này phù hợp điều kiện". Theo lời người phụ nữ yếu thế vùng biên này, từ 90 con gà giống, hơn ba tháng hao hụt đàn gà còn lại 85 con, đến khi xuất chuồng thì gà mái bán với giá 90.000 đồng/kg, gà trống 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí thì chị lời được ba triệu đồng.
Hay trường hợp chị Lê Thị Nàng Em (35 tuổi, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) đã vay được từ Hội LHPN xã năm triệu đồng để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ… Trong quá trình kinh doanh, nhận thấy nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng, chị mua sắm thêm nhiều mặt hàng, mở rộng cửa hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi người. Chị chia sẻ: "Nhờ việc kinh doanh, tôi đã có đủ điều kiện lo cho con ăn học và trang trải chi phí trong gia đình. Nếu không có vốn vay, chắc giờ tôi vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo của xã".
Chị Lưu Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cho biết, do đặc thù có nhiều địa bàn biên giới, phần lớn diện tích đất của tỉnh là rừng và nông nghiệp nên phụ nữ Tây Ninh thường "làm mạnh" phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế". Hội đã xét cho 34.572 lượt chị em vay với số tiền gần 2.000 tỷ đồng, qua đó hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp hội viên, phụ nữ nghèo có nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội rà soát danh sách hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, dạy nghề, giới thiệu việc làm,... thông qua hình thức vận động chị em có điều kiện hơn giúp chị em khác khó khăn về giống, vốn, phân bón, ngày công lao động, phương tiện sản xuất. Ðợt tổng kết 10 năm (tháng 3-2020) đã có 11.483 chị có điều kiện khá giúp 12.780 chị em phụ nữ khó khăn, quy đổi thành tiền trị giá hơn 60 tỷ đồng. Qua đó chị em thành lập 3.500 tổ/nhóm giúp đỡ nhau một cách thiết thực, hiệu quả.
Tại lễ tổng kết thực hiện chương trình "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018 - 2020 giữa Hội LHPN tỉnh Tây Ninh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Ðại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho hay, tổng nguồn kinh phí được các cấp Hội vận động đóng góp thực hiện chương trình là 37 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 357 phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh (5 đến 10 triệu đồng/người); trao 3.460 suất học bổng cho nữ học sinh nghèo; xây tặng 62 "Mái ấm tình thương"; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.184 phụ nữ nghèo…
Trên tinh thần vì phụ nữ biên cương, chương trình đã hỗ trợ 1.508 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ, qua đó có 437 hộ vươn lên thoát nghèo. Như tấm gương chị Nguyễn Thị Hồng Vân (44 tuổi, xã Long Giang, huyện Trảng Bàng) từ việc hai vợ chồng đi làm thuê, đã được chương trình hỗ trợ vốn để bán bánh canh. Nhờ nấu ăn ngon, giá cả hợp lý nên quán của chị ngày càng đông khách, thu nhập bình quân khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Sau một thời gian, chị Vân tích lũy được 7,5 triệu đồng và tháng 3-2020, chương trình giúp chị vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mua một con bò cái, nhờ vậy mà chị thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Hay như chị Phần Thị Hiển (56 tuổi, xã Suối Dây, huyện Tân Châu) được chương trình hỗ trợ 3,5 triệu đồng từ nguồn vốn để chị mở bán bánh mì. Nhờ chịu khó, việc buôn bán thuận lợi, chị Hiển thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Hay như trường hợp chị Trần Kim Ngân (56 tuổi, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), năm 2019, chị được hỗ trợ 5 triệu đồng, giới thiệu vay 12 triệu đồng để đầu tư phát triển thêm nghề làm bánh, sản xuất cà-phê, lấy rượu kiếm thêm thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh Lưu Thanh Hằng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có hạn chế trong việc hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới kinh phí tổ chức các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn chậm, ảnh hưởng số lượng học viên đăng ký. Vẫn còn một bộ phận hộ nghèo chưa nhận thức đầy đủ, chưa có ý thức vượt khó, vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ vào các chính sách của Nhà nước cũng như sự chăm lo của cộng đồng. Do đó, thời gian tới, tỉnh Hội tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các xã biên giới với các xã trên địa bàn tỉnh. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; phòng, chống mua, bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu; vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...
Minh Anh