Chung tay cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu

NDO -

Hội nghị thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland từ ngày 31/10 đến 12/11 với sự tham gia của đại diện hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham dự hội nghị, Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp, cam kết mạnh mẽ để cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị COP26 năm 2021, diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Vì năm 2021, là thời điểm đánh dấu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được thỏa thuận này, 5 năm trước các nước đã phải nỗ lực đàm phán, đạt được sự thống nhất trong trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. 5 năm qua, nhiều nội dung Hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận đã được thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục đàm phán kể từ sau COP24 tại Ba Lan năm 2018 và COP25 tại Tây Ban Nha năm 2019.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới, nếu không khẩn cấp xử lý thì nhân loại sẽ đẩy biến đổi khí hậu đạt đến điểm không thể đảo ngược được, hậu quả khi đó sẽ là khôn lường. Trong khi đó, hiện nay thế giới đang trải qua những ngày khó khăn do đại dịch Covid-19, cho nên việc phục hồi kinh tế sau đại dịch là điều các quốc gia hết sức quan tâm.

Hội nghị COP26 lần này, là dịp để các quốc gia thể hiện sự mạnh mẽ trước vấn đề đại dịch Covid-19; đồng thời là cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tham luận và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Tại hội nghị, Chủ tịch COP26, Vương quốc Anh đã nỗ lực vận động các nước tăng cường mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đến thời điểm hiện tại, đã có 142 quốc gia đã cam kết phát thải bằng “0”, trong đó có EU, Nhật Bản, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác đã đưa các cam kết này trở thành Luật. Bên cạnh 124 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước tham dự COP26 với những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều sáng kiến về thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng sẽ được chính thức công bố tại COP26 thu hút nhiều quốc gia tham gia, trong đó có nhiều sáng kiến quan trọng như: Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; Liên minh hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu; Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

Các nước cũng bắt đầu thể hiện sự thỏa hiệp trong đàm phán để Hội nghị COP26 hoàn thành việc đàm phán Bộ hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Đây là tín hiệu cho thấy quyết tâm của các nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới.

Chung tay cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu -0
 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hằng năm lớn. Do vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi Khí hậu tổ chức trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Cam kết của Việt Nam được chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển; là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây; định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sử dụng lời kêu gọi đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định với thế giới rằng: Việc giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu mà không một quốc gia, dân tộc nào có thể làm riêng lẻ được, tất cả phải đoàn kết lại và cùng thực hiện mục tiêu chung.

Sau COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục đề xuất các kế hoạch triển khai thực hiện và cụ thể hóa những tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các sáng kiến và Việt Nam tham gia, trên cơ sở triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách quan của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu một cách thiết thực và hiệu quả.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu