Chung quanh việc thu hồi dự án nhà máy xử lý rác thải ở huyện Thái Thụy (Thái Bình)

Huyện Thái Thụy nằm trong vành đai tuyến kinh tế trọng điểm ven biển của tỉnh Thái Bình. Những năm gần đây, nhu cầu xử lý rác thải trở nên cấp thiết do trên địa bàn chưa có một nhà máy xử lý rác đúng nghĩa nào đang hoạt động. Thế nhưng, trong khi đã thi công được một phần khối lượng công trình thì dự án xử lý và chế biến rác thải do một doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư đột ngột bị thu hồi giấy phép đầu tư…
Dự án “Khu liên hợp nhà máy xử lý và chế biến rác thải bằng công nghệ ướt” tại xã Thụy Trình.
Dự án “Khu liên hợp nhà máy xử lý và chế biến rác thải bằng công nghệ ướt” tại xã Thụy Trình.

Dự án “Khu liên hợp nhà máy xử lý và chế biến rác thải bằng công nghệ ướt” (dự án) tại xã Thụy Trình, do Công ty TNHH Môi trường Hùng Dũng (Công ty Hùng Dũng) làm chủ đầu tư. Sau khi UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư, toàn bộ các công trình nhà xưởng, nhà ăn, nghỉ của công nhân, tường bao… trên khu đất rộng gần 6 ha đã bị đập bỏ toàn bộ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Hùng Dũng cho biết: “UBND huyện Thái Thụy chỉ thông báo quyết định cưỡng chế cho chúng tôi trước ba ngày trước khi cho lực lượng đến đập phá toàn bộ công trình là công sức và tài sản của chúng đôi xây dựng ở đây. Trước đó, chúng tôi đã có văn bản khẩn thiết xin được giãn thời gian vì lý do bất khả kháng. Hơn nữa, chúng tôi cũng không vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Dự án cũng không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư hay an ninh quốc phòng trên địa bàn”.

Theo bà Thanh, sau khi được UBND tỉnh Thái Bình hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư, khoảng năm 2014, dự án bắt đầu được Công ty Hùng Dũng triển khai. Trong hơn ba năm, dự án đã hoàn thiện khoảng 75% khối lượng công trình hạ tầng, chỉ còn đợi đối tác bàn giao máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, trong thời gian này, bên phía đối tác của công ty xin lùi thời gian bàn giao với lý do cần tổ chức thí nghiệm lại quy trình xử lý phù hợp đối với rác thải ở Việt Nam. Trước tình hình đó, Công ty Hùng Dũng đã gửi hai văn bản xin giãn tiến độ đầu tư như quy định (ngày 15/7/2017 và 28/7/2017) do dự án còn được phép gia hạn, giãn tiến độ đầu tư 16 tháng.

Bất ngờ, ngày 3/9/2020, Công ty Hùng Dũng nhận được thư mời họp, trong thư có kèm bản photo Quyết định chấm dứt đầu tư số 62/QĐ-SKHĐT ngày 20/8/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó nêu rõ lý do là “Dự án vi phạm điểm g khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014”. Sau khi nhận được thư mời nêu trên, Công ty Hùng Dũng đã phản đối với lý do không nhận được văn bản gốc Quyết định chấm dứt đầu tư số 62/QĐ-SKHĐT. Đồng thời đại diện công ty khẳng định, nhà đầu tư không vi phạm Luật Đầu tư do dự án còn quyền giãn tiến độ; nhà đầu tư cũng không mất khả năng đầu tư vì đã hoàn thiện 75% khối lượng dự án và đã hợp đồng đặt mua thiết bị, máy móc từ nước ngoài.

Không chấp nhận lý do nhà đầu tư đưa ra, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản số 2215/STNMT-QLĐĐ ngày 27/9/2018, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất, thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định chấm dứt đầu tư (Quyết định số 62/QĐ-SKHĐT).

Tại cuộc họp ngày 10/9/2020 giữa đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Thái Thụy, UBND xã Thụy Trình và nhà đầu tư nhằm “thông báo” chấm dứt thực hiện dự án, mặc dù nhà đầu tư khẩn thiết “xin” được tiếp tục nhưng đại diện các sở, ngành chỉ đồng ý đề xuất UBND tỉnh cho nhà đầu tư được gia hạn thời gian để bán tài sản. Đến ngày 27/4/2021, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Văn bản số 1624/UBND-NNTNMT cho phép nhà đầu tư thời gian ba tháng để giải quyết khối tài sản trên đất. Tuy nhiên, thời gian gia hạn lại đúng vào đợt cao điểm dịch Covid-19, Công ty Hùng Dũng không làm cách nào để có thể thanh lý khối tài sản có giá trị lớn như vậy.

Đến ngày 15/8/2022, các sở, ngành liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1800/QĐ-UBND về việc “thu hồi đất dự án”. UBND huyện Thái Thụy đã ban hành Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 26/6/2024 tổ chức “cưỡng chế thu hồi đất” của dự án. Toàn bộ khối tài sản của Công ty Hùng Dũng xây dựng trên diện tích đất dự án bị phá dỡ mà không hề được kiểm đếm, lập biên bản. Đại diện của nhà đầu tư cũng không có mặt để chứng kiến sự việc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Phạm Văn Chung khẳng định, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án là đúng quy định của pháp luật. “Dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định thu hồi; UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi đất. Nguyên nhân như các cơ quan chức năng đã kết luận, đó là dự án chậm tiến độ, kéo dài, không hiệu quả, trong khi nhu cầu về xử lý rác thải của địa phương rất cấp thiết. Đối với vấn đề tổ chức cưỡng chế nhưng không kiểm đếm, lập biên bản, theo quy định của Luật Đầu tư, việc kiểm đếm tài sản sẽ tiến hành sau khi cưỡng chế. Tuy nhiên, quá trình phá dỡ khối tài sản mà nhà đầu tư đã thực hiện trên đất dự án là khá lớn và mất nhiều thời gian để tháo dỡ hoàn toàn”, ông Chung cho biết.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Đức Minh: Sau khi dự án được cấp các giấy tờ, thủ tục cần thiết sẽ phải tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động từ quý IV/2015. Tuy nhiên, chủ đầu tư không hoàn thành đúng hạn. Thực tế đến thời điểm ban hành quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy nhà đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án. Ngoài ra, khi yêu cầu cung cấp các văn bản như hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản… nhà đầu tư đều không cung cấp được. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất. Ông Minh khẳng định, sau khi đã hết thời gian để nhà đầu tư tự thanh lý tài sản trên đất, nếu nhà đầu tư không thực hiện, việc cưỡng chế thu hồi đất không cần kiểm đếm, không phải bồi thường đối với tài sản trên đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trạng khu đất thực hiện dự án (trước khi cưỡng chế) không có máy móc, dây chuyền xử lý rác thải, và hoạt động xử lý rác; chỉ có khu nhà xây bê-tông và khoảng 8.000 m2 nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn…

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo quy định của pháp luật, trường hợp dự án bị cưỡng chế thu hồi do vi phạm các quy định về đầu tư như tại Quyết định số 62/QĐ-SKHĐT đã nêu rõ. Sau khi ban hành quyết định, sở đã chuyển bưu phẩm theo đường bưu điện tới địa chỉ đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư, việc nhà đầu tư không nhận được quyết định này không phải trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng không nhận được hai văn bản nhà đầu tư đề nghị xem xét giãn tiến độ.

Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư khẳng định không nhận được Quyết định số 62/QĐ-SKHĐT qua đường bưu điện cho nên không biết và không có trách nhiệm phải thực hiện quyết định này. Ngoài ra, vi bằng do Công ty Hùng Dũng cung cấp cho thấy hai văn bản đề nghị được giãn tiến độ đầu tư đã được một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp quá chậm (Quyết định số 3078 ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Thái Bình chậm 117 ngày; Quyết định số 1205/QĐ-BTNMT ngày 5/6/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết khiếu nại lần 2 chậm 445 ngày); hợp đồng mua bán và chứng thư xin lùi thời gian bàn giao máy móc, thiết bị của đối tác nước ngoài của doanh nghiệp cũng không được cơ quan chức năng xem xét và giải quyết thỏa đáng; quyết định thu hồi đất và quyết định giải quyết khiếu nại cùng một người ký… chủ đầu tư cho rằng, trên đây là những quyết định chưa hợp lý, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư; gây lãng phí tài sản, tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương ■