Chuẩn bị nhân lực đón đầu cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon

Thị trường tín chỉ carbon hiện đang trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, là thách thức lớn khi Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Chuẩn bị nhân lực đón đầu cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon

Cần các chuyên gia về tín chỉ carbon

Việt Nam đã ghi nhận thành công bước đầu trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu với việc năm 2023 đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Ðây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng. Cùng với nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon của Chính phủ, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được đặt ra tại các tỉnh, thành phố.

Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn cho biết: Trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng cấp thiết. Ðể đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, thành phố cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…

Theo ông Cao Tung Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Ngoài ra, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược.

“Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững”, ông Sơn nói. Hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon. Ðể có thể tham gia một cách tích cực, bền vững, ông Sơn đề xuất tập trung nâng cao nhận thức, thông qua hệ thống tuyên truyền viên chính thức, được tập huấn trực tiếp thông qua Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ sinh thái Vos Holdings cho biết: Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon; do đó, cần phải có nguồn nhân lực để thực hiện các kỹ thuật khai thác, đàm phán và giao dịch. Trước mắt, cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp.

Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đã có khả năng cung cấp 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Việt Nam có địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không chỉ có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường này, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Ðại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Ðể tham gia thị trường tín chỉ carbon, truyền thông và phát triển nhân lực đóng vai trò quan trọng trên quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”; trong đó, có việc đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định.

“Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh nhấn mạnh.

Vừa qua, đại diện Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Intertek Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ sinh thái Vos Holdings cùng trao biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon. Các khóa học này được thiết kế để trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng thực tế, giúp họ tự tin tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.

Thông qua hệ thống đào tạo của ba bên, sẽ có nhiều người nắm được nội dung quan trọng về tín chỉ carbon; từ đó, nâng cao năng lực cho thị trường lao động trong lĩnh vực carbon. Tiến sĩ Nguyễn Trung Ðông, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng.

Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết”. Với vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã không ngừng thực hiện các hoạt động bồi dưỡng cho doanh nghiệp, phối hợp với các đối tác để tổ chức nhiều lớp học giúp sinh viên tiếp cận với các khái niệm giảm phát thải khí nhà kính trong cả công nghiệp và nông nghiệp. Với sự nỗ lực của toàn xã hội, Việt Nam sẽ không chỉ đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, mà còn hướng đến một tương lai phát triển bền vững, góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ mai sau.