Người đứng đầu đội điều tra mức độ an toàn của máy bay MH370, ông Kok Soo Chon nói với báo giới: “Nhóm chúng tôi chưa thể xác định được nguyên nhân thật sự dẫn tới sự biến mất của máy bay MH370… Câu trả lời chỉ có được khi mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy”.
“Sự thay đổi trong đường bay có thể do thao tác điều khiển bằng tay”, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, các điều tra viên không thể xác định được người chịu trách nhiệm về sự thay đổi này.
Báo cáo dài hơn 800 trang do đội điều tra của ông Kok thực hiện đã rà soát một số khía cạnh liên quan vụ mất tích máy bay, từ vấn đề an toàn bay, bảo dưỡng máy bay cho tới phân bổ hàng hóa và thông tin mảnh vỡ.
Theo ông Kok, các điều tra viên đã kiểm tra lý lịch của phi công lái máy bay MH370 và không phát hiện bất thường trong lý lịch, quá trình huấn luyện và sức khỏe tinh thần của phi công. 15 quốc gia có công dân có mặt trên máy bay MH370 đã kiểm tra lý lịch của những hành khách này và xác nhận tất cả các hành khách đều có sức khỏe tốt.
Ngày 29-5 vừa qua, Malaysia đã cho hoãn cuộc tìm kiếm máy bay MH370 trên phạm vi 112 nghìn km2 tại phía nam Ấn Độ Dương do công ty Ocean Infinity của Mỹ tiến hành. Cuộc tìm kiếm này kết thúc mà không có được phát hiện đáng chú ý nào. Trước đó, năm 2017, Australia, Trung Quốc và Malaysia cũng chấm dứt cuộc tìm kiếm có chi phí hơn 147 triệu USD tại khu vực rộng 120 nghìn km vuông. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khẳng định nước này sẽ chỉ xem xét nối lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370 nếu xuất hiện các manh mối mới.
Máy bay MH370 chở theo 239 người đã mất tích ngày 8-3-2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).