Triển khai nhiều đề án chú trọng y tế biển, đảo

Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai nhiều đề án y tế biển, đảo với kỳ vọng sẽ là hậu phương quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Quân y Vùng 4 Hải quân khám, chữa bệnh cho ngư dân tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. (Ảnh ÐỨC THU)
Quân y Vùng 4 Hải quân khám, chữa bệnh cho ngư dân tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. (Ảnh ÐỨC THU)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Y học biển (Bộ Y tế), các ngư dân và lao động trên biển thường xuyên phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên: sóng to, gió lớn và điều kiện lao động không bảo đảm tiêu chuẩn cho phép như rung lắc, tiếng ồn, nhiệt độ cao, ẩm ướt, trơn trượt... Ðó là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn lao động. Mỗi chuyến hành trình trên biển thường kéo dài vài tháng, nhanh cũng hai đến ba tuần, chưa kể khi gặp gió bão trên biển.

Trong thời gian lao động, người dân phải chịu sự cô đơn, cô lập với đất liền, luôn đối mặt với nguy hiểm. Kết quả là tạo ra gánh nặng thần kinh, tâm lý là những điều kiện thuận lợi làm gia tăng bệnh nghề nghiệp và tai nạn thương tích của người đi biển.

Một đối tượng khác đặc biệt cần chú ý, đó là các lao động lặn biển ở nước ta đa phần là thợ lặn nghiệp dư, chưa được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng để bảo đảm an toàn khi lặn. Vì vậy, hằng năm vẫn có các vụ tai biến, tai nạn do lặn biển xảy ra, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Nhóm bệnh tật của thợ lặn thường liên quan đến sự thay đổi áp suất đột ngột trong quá trình làm việc. Ðây là nhóm bệnh lý đặc thù của chuyên ngành y học dưới nước và cao áp ở nước ta hiện nay.

Viện Y học biển có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyên ngành y học biển; đào tạo cán bộ chuyên ngành y học biển, tham gia hoạt động cấp cứu, khắc phục thảm họa trên biển; chỉ đạo tuyến về lĩnh vực y học biển và y tế biển; khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nhân dân trên biển...

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Phát triển Y tế biển, đảo đến năm 2020”. Thực hiện đề án nêu trên, Viện Y học biển đã xây dựng, hoàn thiện Trung tâm Y học dưới nước và Ô-xy cao cấp thành lập liên khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc biển; đồng thời hoàn thành và đưa vào hoạt động Dự án xây dựng Trung tâm hỗ trợ y tế từ xa và hệ thống Telemedicine kết nối Viện Y học biển với Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng...

Viện đã phối hợp Trường đại học Y Dược Hải Phòng xây dựng khung chương trình, giáo trình đào tạo cho sinh viên chính quy ngành y, thạc sĩ y học biển, với hơn 1.000 lượt học viên, sinh viên thực tập mỗi năm; đào tạo cập nhật, nâng cao nhận thức về y học và y tế biển cho 1.291 cán bộ lãnh đạo, bác sĩ các đơn vị y tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển; đào tạo nhiều khóa y học biển cấp cứu trên biển cho hàng trăm cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, ngư dân.

Tuy nhiên, lĩnh vực y tế biển, đảo ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn như: mạng lưới y tế biển, đảo quốc gia chưa được hoàn thiện, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực y tế biển, đảo. Trong khi đó, phần lớn ngư dân không có kiến thức sơ cấp cứu chuẩn và ngại tiếp nhận kiến thức mới... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi đề nghị Bộ Y tế sớm xem xét phê duyệt và đưa các Ðề án “Bệnh viện Y học biển”, “Trung tâm huấn luyện lặn và cấp cứu ban đầu tai biến lặn biển” vào danh mục trung hạn để triển khai, thực hiện.

Ngành y tế tiếp tục triển khai mở rộng các nghiên cứu cơ cấu bệnh tật của các nhóm lao động đặc thù biển, đảo từ đó đề xuất các biện pháp cải thiện sức khỏe, an toàn lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh nghề nghiệp và xử trí cấp cứu trên biển cho người lao động hậu cần nghề cá...