Chú trọng kinh tế hợp tác xã trong cơ cấu lại nền kinh tế

NDO -

Các đại biểu Quốc hội cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, đồng thời đề nghị rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã để hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể và hợp tác xã trong cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho rằng phát triển kinh tế địa phương, kinh tế hợp tác xã chính là đòn bẩy, là trợ thủ đắc lực cho kinh tế trung ương, cho kinh tế quốc doanh, cho các tập đoàn kinh tế chủ đạo của Nhà nước.

“Trong giai đoạn hiện nay, về quan điểm, chúng ta đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần hết sức chú trọng đến kinh tế tập thể và các hợp tác xã”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu rõ.

Theo đại biểu, khi hợp tác xã được quan tâm phát triển sẽ tạo ra động lực và đột phá phát triển nông nghiệp nước nhà, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” và cả nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình hợp tác xã là rất phù hợp với các địa phương và nó sẽ phát huy được những nỗ lực, sáng tạo của các hộ nông dân, những người chủ của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chú trọng kinh tế hợp tác xã trong cơ cấu lại nền kinh tế -0
 Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đồng thời, các hộ nông dân sẽ nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của hợp tác xã và qua đó tiếp nhận tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như phát huy các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thương mại và hội nhập quốc tế.

Có chung quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, kinh tế hợp tác và hợp tác xã vẫn là tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp, bởi vì chỉ có kinh tế hợp tác và hợp tác xã mới bảo đảm cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt.

Đại biểu đề nghị cần chú trọng thêm vấn đề phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong kế hoạch, cũng như rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã để hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.

Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo của Chính phủ, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện với 17/22 mục tiêu của Kế hoạch được hoàn thành. Ba trong số năm mục tiêu chưa hoàn thành là thuộc nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó có vướng mắc về thể chế và trách nhiệm người đứng đầu.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm khi chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên đặc biệt cho vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là ngành đường sắt – một ngành lớn liên quan trực tiếp đến hiệu quả nền kinh tế. Ngành này đã có tuổi đời 140 năm, tuy nhiên thị phần hàng hóa chỉ chiếm 1,5%, thị phần hành khách chiếm hơn 0,2%.

Đại biểu nhấn mạnh cần đổi mới ngành đường sắt như đã làm với vận tải hàng không và đường bộ, đề nghị nhà nước quản lý toàn bộ hệ thống đường sắt, phần còn lại là nhà ga, tàu thì giao cho các thành phần kinh tế khác tham gia; đồng thời kết hợp chuyển các nhà ga thành các trung tâm thương mại và logistics.

Chú trọng kinh tế hợp tác xã trong cơ cấu lại nền kinh tế -0
 Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu ý kiến.

Tán thành với sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) nhấn mạnh chỉ nên giữ lại và nâng cao sức mạnh những doanh nghiệp mang tính chủ đạo, định hướng của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác mà xã hội đã và đang làm tốt, phù hợp với cơ chế thị trường thì để xã hội làm.

“Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải được quản lý chặt chẽ, phải được đánh giá, định giá một cách chính xác, và phải được đấu giá một cách công khai, rộng rãi, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng làm thất thoát tài sản”, đại biểu Vận lưu ý.

Trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề xuất nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp FDI có hiệu quả về công nghệ và giá trị gia tăng, đồng thời cải tiến tổ chức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định số 09 ngày 13/02/2018 của Chính phủ.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV