Tham dự cuộc làm việc buổi sáng, có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Phạm Tất Thắng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Công tác xây dựng pháp luật; về dự án Luật Điện ảnh; số hóa kho phim; về việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên; cơ chế về thực hiện sáng kiến pháp luật; cơ chế phát huy sự sáng tạo, chủ động, trí tuệ tập thể của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; sự cần thiết tổ chức các diễn đàn văn hóa hằng năm; tái cơ cấu ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19; cơ chế sử dụng chuyên gia; công tác giám sát, giải trình…
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả công tác mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đạt được. Tuy lĩnh vực phụ trách rất rộng, khó và phức tạp, nhưng trong nhiệm kỳ vừa rồi, Ủy ban hoạt động rất hiệu quả, đóng góp vào thành tựu chung của Quốc hội khóa XIV, đặc biệt lĩnh vực xây dựng pháp luật, trong đó có Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Cùng với đó, Ủy ban cũng đã tổ chức tương đối thường xuyên các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, điển hình như diễn đàn về giáo dục thường xuyên.
Ủy ban đã phát huy được tinh thần đoàn kết, nhất trí, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, thực hiện nhuần nhuyễn chủ trương một người thạo một việc và biết một số việc khác. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề văn hóa và xã hội có tính tương hỗ và liên thông với nhau, rất gần gũi. Ngay cả trong kinh tế, chính trị, doanh nghiệp cũng có văn hóa; văn hóa có tính bao trùm, lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải gắn với văn hóa. Tất cả các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách đều mang tính chính trị rất cao.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Đề cập Luật Tổ chức Quốc hội đã có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, quy định trong luật mang tính khái quát cao, vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sớm xây dựng văn bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trên cơ sở rà soát lại các quy định của pháp luật; đồng thời xây dựng quy chế làm việc của Ủy ban.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban cần xây dựng một đề án nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban, trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có tám nhiệm vụ mà Quốc hội khóa XV phải làm.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban cần nghiên cứu, đánh giá về thực trạng cũng như nghiên cứu định hướng trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 đối với lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách, từ đó xác định định hướng công tác lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tầm mức của Ủy ban là đi vào những vấn đề hết sức cụ thể mà trọng điểm, thậm chí là những vấn đề nóng; yêu cầu giải trình, làm việc. Cùng với đó cần huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng khác, như: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tới tính hai mặt, một mặt tăng cường giám sát những vấn đề trọng tâm, cụ thể theo đúng quy định của pháp luật, một mặt chống lạm quyền.
Về việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cần có chính kiến dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Chiều nay, Chủ tịch Quốc hội có buổi làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tham dự, có đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến, Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến, nêu rõ: Quốc hội khóa XIV đã có một nhiệm kỳ rất thành công trên các mặt hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Trong công tác lập pháp, lĩnh vực tài chính, ngân sách có nhiều nội dung quan trọng, rất khó, nhưng Ủy ban Tài chính, Ngân sách đều thực hiện tốt. Điển hình như Luật Quản lý tài sản công có nhiều nội dung tiến bộ, có những vấn đề nêu ra 10 năm nhưng chưa giải quyết được thì đã được giải quyết trong luật này, như cho thuê tài sản công của đơn vị sự nghiệp; Luật Quản lý nợ công lần đầu tiên thống nhất quản lý nợ công về một đầu mối; Luật Đầu tư công (sửa đổi) tháo gỡ nhiều vướng mắc…
Trong công tác giám sát, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong những lĩnh vực lớn như vốn vay, các quỹ tài chính mà Nhà nước quan tâm…; bình quân mỗi năm Ủy ban đã thực hiện từ một đến hai cuộc giám sát chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá hoạt động đối ngoại của Ủy ban có những kết quả nổi bật, như thiết lập cơ chế hợp tác giữa bốn ủy ban của bốn nước, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, Ủy ban tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác này và tiến tới mở rộng trong khối ASEAN.
Về những vấn đề trọng tâm mà Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan của Quốc hội là cơ quan lập pháp nên cần thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nghiên cứu, xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trên cơ sở những thành tích đã đạt được. Thí dụ, trong công tác lập pháp, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rất rõ về chiến lược xây dựng pháp luật.
Đồng chí cho biết, theo kế hoạch, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thông qua Nghị quyết về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với ba cấu phần quan trọng: Tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn dài hạn để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chiến lược cải cách tư pháp. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc quyết định chương trình xây dựng pháp luật phải có kế hoạch và có tầm nhìn xa.
Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách đi sâu vào những vấn đề tài khóa, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan. Về vấn đề về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia cần tính toán cho năm năm, 10 năm và đến năm 2045.
Về những vấn đề cấp bách trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tập trung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, lưu ý về thời hạn Chính phủ phải trình; Kế hoạch tài chính năm năm; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia; xử lý ngân hàng 0 đồng, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài…
Dịp này, làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội lắng nghe các ý kiến kiến nghị của các đại biểu về phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, ủy viên thường trực, quy định về đại biểu Quốc hội không chuyên trách, chế độ cho chuyên gia… Bên cạnh đó, đồng chí nhấn mạnh tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập pháp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác lập pháp; hướng tới thực hiện vai trò dẫn dắt trong công tác lập pháp theo yêu cầu của thực tiễn.
Quy định của Luật Tổ chức Quốc hội về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, đòi hỏi tính chủ động, kịp thời trong công tác lập pháp của các cơ quan của Quốc hội; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp với mục tiêu kiến tạo để phát triển. Về giám sát, cần nghiên cứu đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nếu làm tốt sẽ có tác động lan tỏa, tránh làm tràn lan, trên tinh thần gắn với trách nhiệm giải trình, quy trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân trong từng lĩnh vực… (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ) |
Trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách nhà nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, hằng năm, khối lượng công việc do Ủy ban chủ trì và tham gia thẩm tra lớn. Tuy nhiên, do có sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch nên Ủy ban đã hoàn thành có chất lượng và kịp thời. Các báo cáo của Ủy ban đã thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn; đồng thời đề xuất các phương án hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách… (Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách) |