Tham gia đoàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Ngô Chí Cường…
Ghi sổ lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ, thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xúc động viết: “Nhân kỷ niệm 132 năm sinh nhật Bác, 47 năm giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh, hôm nay chúng con vô cùng xúc động và tự hào được thắp nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình nhớ Bác - mong Bác an giấc ngàn thu, yên tâm rằng các thế hệ con cháu, già cũng như trẻ, nam cũng như bắc, luôn đồng hành, đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục kế tục xứng đáng truyền thống ngàn năm anh hùng, xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp, đàng hoàng, giàu đẹp như ước vọng sinh thời của Bác”.
Đền thờ Bác Hồ chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970 tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.
Theo tài liệu lưu trữ lịch sử địa phương, địa điểm xây dựng Đền thờ khi đó chỉ cách trung tâm đầu não của ngụy quyền tỉnh Vĩnh Bình cũ chưa đầy 4 km, cách căn cứ quân sự của Mỹ 1,5 km, cách đồn Vĩnh Hưng của địch 800 m… Để giữ bí mật, toàn bộ công việc xây dựng Đền đều phải làm vào ban đêm với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ, gồm đủ thành phần các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở địa phương và các nơi khác trong tỉnh.
Sau gần 11 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng, bất chấp mọi gian khổ hy sinh trước sự càn quét, đánh phá điên cuồng của địch, Đảng bộ, quân dân xã Long Đức đã hoàn thành Đền thờ Bác Hồ và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Tân Hợi (ngày 26/1/1971). Chỉ sau 7 ngày khánh thành đã có hơn 10 nghìn lượt người dân thuộc các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ vị Cha già của dân tộc.
Tháng 9/1989, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là khu di tích cấp quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trải qua hơn 4 thập niên, Đền thờ Bác Hồ đã được trùng tu, tôn tạo cảnh quan trên diện tích rộng hơn 7 ha. Tại đây trưng bày rất nhiều hiện vật, tài liệu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Bác và truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân tỉnh Trà Vinh.
Đền thờ Bác Hồ không chỉ là biểu tượng bất diệt, tấm lòng son sắt của nhân dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hiện còn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương Trà Vinh hiến dâng cả tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc.
Tháng 4/2012, Khu di tích Đền thờ Bác Hồ tiếp tục được đầu tư xây dựng công trình Nhà sàn Bác Hồ, do Trung tâm Ứng dụng trưng bày - bảo tàng Hồ Chí Minh thiết kế hạng mục phục chế. Mô hình nhà sàn được thiết kế, phục chế theo bản vẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với tỷ lệ 97%. Các tài liệu, hiện vật được phục chế đều tuân thủ theo các yêu cầu thiết kế, chất liệu, màu sắc và bảo đảm tính chân thật như hiện vật gốc.
Toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 80 nghìn gia đình có công với nước, trong đó có 19.624 liệt sĩ, 9.711 thương binh, bệnh binh, 88 tập thể và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, 3.346 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.