Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các Ủy viên T.Ư Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, trong lĩnh vực lập pháp, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra và cho ý kiến 60 dự án luật. Từ kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã luật hóa trách nhiệm của Hội đồng trong việc tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra, bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc; cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia để sớm đưa Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030, vào cuộc sống; về xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số để thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; hoạt động của các Tiểu ban trong Hội đồng; công tác giám sát, tái giám sát, thẩm tra dự án luật; chế độ chuyên gia…
Sau khi nghe báo cáo và các đại biểu phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá báo cáo của Hội đồng Dân tộc được chuẩn bị công phu, vừa cụ thể, vừa bao quát, có chất lượng tốt, kiến nghị và đề xuất cũng rất cụ thể.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thành công toàn diện của Quốc hội khóa XIV có vai trò rất quan trọng của Hội đồng Dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã ban hành các chính sách mang tính đột phá trong lĩnh vực dân tộc thiểu số và miền núi, như Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sau đó là Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có đóng góp rất lớn của Hội đồng Dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần đoàn kết tập thể ở Hội đồng Dân tộc, về vai trò của người đứng đầu. Vụ Dân tộc tham mưu rất đắc lực cho Hội đồng Dân tộc và Quốc hội nói chung. Bởi vậy, uy tín của Hội đồng Dân tộc ngày càng cao.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các kiến nghị, đề xuất của các thành viên Hội đồng Dân tộc rất hợp lý. Đó cũng là những vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội rất quan tâm, tập trung chỉ đạo với mục tiêu tiếp tục duy trì thành tích lớn của Quốc hội khóa XIV cũng như di sản đồ sộ trong suốt 75 năm hoạt động của Quốc hội; đồng thời quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Hội đồng Dân tộc nhận thức, quán triệt sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của Hội đồng Dân tộc trong hoạt động của Quốc hội nói chung, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng. Trong khi các Ủy ban được tổ chức theo lĩnh vực thì Hội đồng Dân tộc lại tổ chức theo đối tượng, bao phủ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng… nên tự thân đã có quan hệ rất rộng với các cơ quan của Quốc hội cũng như với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần xử lý tốt mối quan hệ này.
Về một số việc cần làm sắp tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành nghị quyết mới về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc. Nhấn mạnh rằng, mỗi cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặc thù, không thể có một quy định áp dụng chung, nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về quy trình xin ý kiến và phê duyệt để tránh chồng chéo giữa các cơ quan, rõ thẩm quyền và rõ trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng ban Công tác đại biểu nghiên cứu ban hành hướng dẫn chung cho các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Hội đồng Dân tộc xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bởi vì, chất lượng hoạt động của Quốc hội được đo lường bằng chất lượng của các Kỳ họp Quốc hội; hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội; hiệu lực và chất lượng công tác phối hợp giữa Quốc hội với các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội đồng Dân tộc cần rà soát kế hoạch còn lại đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, rà soát chương trình kế hoạch công tác năm 2021 và cả 5 năm. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sự chủ động của Hội đồng Dân tộc về dự án Luật Dân tộc và đề nghị Hội đồng Dân tộc sớm hoàn thiện hồ sơ để trình theo đúng quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các đề xuất về việc siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản pháp luật, trừ những trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm, ngoài kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm, Quốc hội cần có chiến lược xây dựng pháp luật trong 5 năm tới, định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 với tinh thần kiến tạo và phát triển theo yêu cầu của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hội đồng Dân tộc nên nghiên cứu xây dựng trọng điểm giám sát cho Hội đồng, đề xuất giám sát cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất giám sát tối cao của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, có phạm vi cụ thể và gắn với trách nhiệm giải trình, chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; tái giám sát từng việc, tránh chung chung.
Chủ tịch Quốc hội nêu thí dụ, vừa qua, Quốc hội có nhiều nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn có hiệu lực, hiệu quả rất cao. Chính phủ cũng rất hoan nghênh vì sự phối hợp của Quốc hội mà các bộ, ngành có chuyển biến rất tốt.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình giám sát trong lĩnh vực dân tộc trong nhiệm kỳ tới. Cần chọn đúng, trúng nội dung giám sát; trong đó, kiến nghị rõ nội dung giám sát do Hội đồng Dân tộc tiến hành, nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Quốc hội tiến hành. Làm rõ phạm vi giám sát, gắn được trách nhiệm giải trình, chỉ ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan thì giám sát sẽ có hiệu lực.
Đối với đề xuất xây dựng Luật Dân tộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội đều có quyền trình sáng kiến lập pháp nên Hội đồng Dân tộc có thể chủ động đề xuất với Quốc hội xây dựng dự án Luật Dân tộc theo đúng quy trình.
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc cũng cần chủ động rà soát tổng thể việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong các luật, văn bản dưới luật, các chương trình, mục tiêu đề án để từ đó, yêu cầu Chính phủ hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện.
Trong quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Hội đồng Dân tộc thúc đẩy quan hệ với các cơ quan của nghị viện các nước láng giềng, khối ASEAN, một số nước đối tác quan trọng của nước ta và các tổ chức quốc tế…
Hội đồng Dân tộc, nhiệm kỳ Khóa XIV, có 47 thành viên, là đại biểu Quốc hội của 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện của 29/33 dân tộc tham gia Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, có 15 đại biểu hoạt động chuyên trách (9 thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, 6 Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh) và 32 đại biểu kiêm nhiệm. Về cơ cấu, thành viên Hội đồng Dân tộc có nhiều “cái nhất”: đại biểu công tác ở cơ sở nhiều nhất; đại biểu nữ nhiều nhất; đại biểu trẻ, quần chúng nhiều nhất; đại biểu kiêm nhiệm, tham gia Quốc hội lần đầu nhiều nhất...
Hoạt động giám sát, khảo sát và giải trình của Hội đồng Dân tộc khóa XIV đã đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung bám sát những vấn đề thực tiễn của đời sống KT-XH và thực thi chính sách, pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát, khảo sát, Hội đồng Dân tộc đã có 112 kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội: 29; Chính phủ và các bộ, ngành: 54; địa phương: 29); một số kiến nghị của Hội đồng Dân tộc được Quốc hội đưa vào nghị quyết, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu…
(Theo báo cáo kết quả công tác của Hội đồng Dân tộc)