Bà Poldi Sosa, năm nay đã 80 tuổi, cho biết kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1997, bà đã có tới 26 lần đến Việt Nam và trong tất cả các lần tới Hà Nội, bà đều vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hồi ký về cuộc đời mình, bà viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và người dân Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi”.
Bà Poldi Sosa nhấn mạnh, bà rất ấn tượng và cảm động trước những nỗ lực phi thường của Người. Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc vất vả, trải nghiệm cuộc đời lao động của giới cần lao.
Người đã tìm hiểu, tiếp cận tư tưởng cách mạng tiến bộ, từ đó tìm ra con đường phù hợp nhất để giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân Pháp.
Đứng trước bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng tại nhà, bà Poldi Sosa khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà yêu nước vĩ đại mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ 20.
Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Lan Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du tại Lào nhấn mạnh hình ảnh Bác Hồ luôn trong tâm thức kiều bào ở xa Tổ quốc.
Cô chia sẻ: Vì tình yêu và sự kính trọng vô bờ với Bác, tại Lào, bà con kiều bào đã chung tay xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Khammuane.
Hằng năm, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con từ nhiều tỉnh, thành phố tại Lào lại có các hoạt động về nguồn, dâng hương tưởng niệm và tri ân Người. Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động để giúp học sinh hiểu về thân thế, sự nghiệp, phong cách và đạo đức của Bác Hồ.